Bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản đặc sản địa phương nhằm khai thác danh tiếng của sản phẩm luôn được tỉnh Sơn La chú trọng triển khai. Nhờ đó, nhiều loại nông sản đã nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.
Các sản phẩm nông sản của HTX trưng bày giới thiệu tại các hội nghị của tỉnh (Ảnh chụp trước thời điểm 27/4).
Ảnh: PV
Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX đã quan tâm đăng ký và sử dụng nhãn hiệu riêng và nhận thức nếu không có nhãn hiệu được bảo hộ thì rất khó tiêu thụ được sản phẩm và cơ hội mở rộng thị trường. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm chủ lực được cấp Văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La, chè Olong Mộc Châu, cá tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã... Theo cam kết tại Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020, sản phẩm chè Shan Tuyết và sản phẩm xoài tròn Yên Châu hiện đã được bảo hộ tại thị trường Châu Âu.
Các sản phẩm sau khi đăng ký thương hiệu được hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu, xúc tiến tiêu thụ. Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 100 sự kiện quảng bá hàng nông sản Sơn La được tổ chức với các quy mô khác nhau, như: Lễ hội hái quả mận Mộc Châu; Ngày hội nhãn Sông Mã; Ngày hội xoài Yên Châu... Các Tuần nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội và các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng... đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm liên kết với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất của tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch trải nghiệm, như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu, du lịch lòng hồ Sông Đà, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Olong...
HTX Cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) là một trong những HTX đã phát huy, sử dụng nhãn hiệu nông sản đặc sản địa phương rất thành công. Anh Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX, thông tin: Hiện nay, HTX đã xây dựng dây chuyền sản xuất nước mắm với quy mô 1 tấn nguyên liệu/mẻ, đã có trên 5.000 lít nước mắm thượng hạng và 7.000 lít nước mắm loại 1 đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xuất ra thị trường. Sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, góp phần nâng cao danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” trên thị trường.
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 119 chuỗi nông sản, gồm: Rau, quả, cà phê, chè, thịt lợn, thủy sản và mật ong an toàn; có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP để cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại các siêu thị trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện thuật lợi để tiếp tục triển khai xây dựng nhãn hiệu cộng đồng.
Sản phẩm nước mắm của HTX Cơ khí Xuân Hải, huyện Quỳnh Nhai.
Theo ông Phan Ngọc Bắc, việc xây dựng nhãn hiệu đã khó nhưng việc quản lý, phát triển nhãn hiệu còn khó hơn. Với góc độ quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có những cơ chế, chính sách, tài chính hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng bài bản và bền vững hơn. Góc độ các doanh nghiệp, HTX việc duy trì và phát triển nhãn hiệu phải coi đó là sự sống còn trong sản xuất và kinh doanh của chính mình thì mới có thể duy trì và phát triển được nhãn hiệu.
Vì thế, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh trong ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc bảo hộ nhãn hiệu tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Việc bảo hộ nhãn hiệu không tốt, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với tình trạng nhãn hiệu bị sao chép, bắt chước, làm giả dẫn đến nguy cơ đầu tư thất bại. Do vậy, để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản việc đẩy mạnh phát triển bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản là giải pháp tối ưu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!