Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, vì nhân dân phục vụ

Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện mới.

Giọng nam
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA-THÙY CHI)
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA-THÙY CHI)

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt ra mục tiêu và lộ trình cụ thể: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Từ quan điểm và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, gắn liền yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Đảng ủy Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 28-KH/ĐUQH, gồm 11 nhiệm vụ trọng tâm, nêu rõ thời hạn thực hiện. Việc Đảng ủy Quốc hội kịp thời xây dựng và triển khai Kế hoạch số 28-KH/ĐUQH đã góp phần tạo nên thành công của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, nhất là Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) và nhiều dự án luật mà điểm nhấn là tạo thể chế cho việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, mở rộng không gian phát triển cho các địa phương.

Trên phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực nghiên cứu, tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình xây dựng và thi hành pháp luật căn cứ tình hình thực tế ở địa phương.

Tại Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương ban hành Chương trình số 50-CTr/TU ngày 9/6/2025 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm, bám sát lộ trình phát triển của tỉnh; chú trọng gắn kết, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các văn bản của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt ra mục tiêu ngay trong năm 2025 phải tháo gỡ hầu hết những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật, kìm hãm, cản trở, gây ách tắc phát triển kinh tế-xã hội địa phương song song triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Quyết tâm chính trị ấy được cụ thể hóa qua hàng loạt giải pháp như cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ chế nhận diện và gỡ bỏ kịp thời những bất cập trong quy định pháp luật; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và đánh giá tính hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đôn đốc, quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy cao độ tinh thần phục vụ nhân dân; tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị; chủ động giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, lạm quyền, đồng thời khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Kinh nghiệm thu được từ cuộc cải cách thủ tục hành chính trước đây trên địa bàn tỉnh đang được Quảng Ninh vận dụng sáng tạo trong việc triển khai Chương trình số 50-CTr/TU, bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh đã cập nhật lên hệ thống thông tin giải quyết gần 1.000 thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn trên hệ thống một cửa điện tử đạt gần 74%, mức cao nhất từ trước đến nay.

Từ ngày 1/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại 54 xã, phường, đặc khu; tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thủ tục nộp hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính. Đến nay, Quảng Ninh thực hiện cung cấp gần 80% thủ tục hành chính “phi địa giới” và phấn đấu đạt 100% vào cuối năm nay.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Pháp luật phải được xem là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cuộc cải cách thể chế hiện nay phải kiến tạo sự phát triển, tạo ra động lực bền vững trên tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới