Quân và dân Sơn La góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Thượng Lào 1953

LTS: Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào 1953, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài viết "Quân và dân Sơn La góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Thượng Lào 1953". Báo Sơn La trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
 

Chiến thắng Thượng Lào 1953 mang ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào, là một biểu tượng sinh động của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Là hậu phương trực tiếp trên hướng chủ yếu của Chiến dịch, quân và dân Sơn La tự hào đã góp phần làm nên chiến thắng đó, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Sơn La nằm ở khu vực phía Tây Bắc của Tổ quốc, có chung đường biên giới (dài 274,065 km) với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Cư dân hai bên có mối quan hệ truyền thống lịch sử, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, chiến đấu chống kẻ thù chung. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930), mối quan hệ đó ngày càng bền chặt, phát huy hiệu quả, trở thành mối quan hệ đặc biệt. Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù đang bị quân thù chiếm đóng, nhưng nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La vẫn dốc sức giúp đỡ, tạo tiền đề để xây dựng căn cứ của cách mạng  Lào.

Sau khi giành được độc lập (8/1945), ngày 16/10/1945, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt; tiếp đó, ngày 30/10/1945, ký Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt. Đó là những văn bản pháp lý đầu tiên đặt cơ sở cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào. Cùng với việc thành lập liên quân Lào - Việt, Việt Nam cử bộ đội sang giúp nhân dân Lào chiến đấu theo nội dung các hiệp định, hiệp ước đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào. Đảng xác định phải tiến hành xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng chính trị, quân sự cho Bạn, tức là tạo nên những yếu tố căn bản nhất cho sự phát triển toàn diện của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La, các tỉnh nước bạn Lào chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu và thế hệ trẻ tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. 
Ảnh: PV

Ngày 16/5/1948, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Ban Xung phong Lào Bắc được thành lập, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng, thực hiện nhiệm vụ tiến sâu vào nước Lào gây dựng cơ sở trong quần chúng, xây dựng căn cứ địa, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Để tạo thuận lợi cho Ban Xung phong Lào Bắc hoạt động, Tỉnh ủy Sơn La chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu (nay là bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) làm căn cứ cho đơn vị hoạt động. Từ đây, bản Phiêng Sa trở thành bàn đạp cho Ban Xung phong Lào Bắc tiến quân sang vùng Thượng Lào, tiến hành vũ trang tuyên truyền để thiết lập căn cứ địa cho cách mạng và quân đội Lào độc lập. Tại hội nghị cán bộ của Lào họp ở căn cứ Lao Húng, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chủ trì, đã quyết định thành lập một đơn vị vũ trang của Khu Lào Bắc, lấy tên là Látxavông. Đây chính là điều kiện quan trọng để ngày 20/1/1949, tại khu căn cứ Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa, đồng chí Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ítxala, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào, tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội và nhân dân Lào, là nhân tố quan trọng tăng cường mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào - Việt Nam.

Năm 1949, thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 thống nhất với chỉ huy Ban Xung phong Lào Bắc mở Chiến dịch Sông Mã, nhằm phá vỡ phòng tuyến Sông Mã của địch, mở thông biên giới Lào - Việt Nam, giúp bạn Lào xây dựng căn cứ địa Trung ương, tiến tới thành lập Chính phủ kháng chiến Lào. Ngày 2/11/1949, liên quân Việt Nam - Lào tiến công tiêu diệt đồn Xiềng Khọ, trên đà thắng lợi, liên quân tiếp tục công kích làm quân địch hoảng sợ, rút khỏi các căn cứ địa dọc sông Mã từ Xiềng Khọ đến Sốp Hào. Phát huy thắng lợi, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 giao nhiệm vụ cho một số đơn vị tiếp tục hỗ trợ các lực lượng cách mạng Lào chiến đấu và xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào kháng chiến. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Liên khu 10, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quân và dân trong tỉnh tiếp tục chi viện sức người, sức của, giúp đỡ phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Lào; nhiều cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Sơn La đã tham gia vào các đại đội của Liên khu 10 và trực tiếp hoạt động ở Bắc Lào, tình nguyện sát cánh cùng Bạn chiến đấu. Đầu năm 1951, ta và Bạn chủ trương thành lập Chiến khu Đ dọc biên giới giữa hai nước, từ La Hán - Hồi Xuân (Thanh Hóa) đến Chiềng Khương (Sông Mã, Sơn La), tạo thành căn cứ đứng chân cho Chính phủ Kháng chiến Lào. Như vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, quân và dân Sơn La đã hết lòng giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng, tạo cơ sở cho cách mạng của Bạn phát triển.

Thu Đông 1952, nhằm phát triển thế tiến công chiến lược, giải phóng đất đai trên miền núi rừng phía bắc Tổ quốc, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng (14/10-10/12/1952), qua ba đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch; giải phóng gần 30.000km2 với 250.000 dân, đập tan âm mưu chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” trên địa bàn Tây Bắc của thực dân Pháp, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã được đề ra. Với Chiến dịch Tây Bắc, Sơn La được giải phóng. Từ đây, quân và dân Sơn La càng có thêm điều kiện để giúp đỡ cách mạng Lào.

Về phía Pháp, bị thua đau ở chiến trường Tây Bắc Việt Nam, trước nguy cơ có thể mất Thượng Lào, để đối phó với cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh của quân dân Việt Nam - Lào, thực dân Pháp tăng cường lực lượng phòng thủ Thượng Lào. Đầu năm 1953, tướng Xalăng quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền của Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ, khi bị tấn công sẽ sử dụng lực lượng cơ động của toàn Bắc Bộ ứng cứu bằng đường hàng không. Chiến trường Thượng Lào được Pháp chia thành hai khu: Khu Mê Công và khu Trấn Ninh (cao nguyên Cánh Đồng Chum). Khu Mê Công có hai phân khu Viêng Chăn và Luông Pha Băng; khu Trấn Ninh có phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng. Tại Sầm Nưa, Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung lực lượng, phương tiện xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố, sửa chữa sân bay dã chiến ở Nà Thông, bãi nhảy dù ở Nà Viêng, biến Sầm Nưa - cửa ngõ của Thượng Lào thành tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí với ba tiểu đoàn trấn giữ. Xung quanh khu vực trú đóng, địch còn chặt trụi cây cối để mở rộng tầm nhìn, tăng cường hàng rào kẽm gai, đào hệ thống hào giao thông nối liền các vị trí, thường xuyên càn quét, tung biệt kích ra thăm dò lực lượng và hướng tiến công của ta. Sầm Nưa trở thành nơi địch tập trung quân số đóng giữ lớn nhất ở Lào thời điểm đó.

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào; 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào và Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, năm 2022.                                                  Ảnh: PV

Với sự nỗ lực của lực lượng cách mạng nước Bạn Lào cùng sự giúp đỡ của Việt Nam, chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch phát triển mạnh mẽ. Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Lào được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, quân sự, được tôi luyện trong chiến đấu nên các hoạt động tác chiến, tuyên truyền vận động quần chúng ngày càng có hiệu quả, được nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào yêu mến, tin cậy. Qua quá trình chiến đấu, học tập, rèn luyện, lực lượng vũ trang Lào đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trình độ tác chiến và chỉ huy của đội ngũ cán bộ quân sự Lào được nâng cao.

Trước những diễn biến mới của tình hình địch, ta sau Chiến thắng Tây Bắc, trên cơ sở phân tích: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta, vừa làm mất chỗ dựa phía sau Nà Sản và vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào - Việt”, Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định đưa quân đội chủ lực Việt Nam sang phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở Chiến dịch Thượng Lào, tiến công địch ở Sầm Nưa. Mục đích của chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, xây dựng và mở rộng khu căn cứ du kích, tạo lập hậu phương kháng chiến, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương.

Là hậu phương của hướng chủ yếu chiến dịch, nơi tập trung các đơn vị chủ lực trước khi hành quân sang nước bạn Lào, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy và cấp ủy, chính quyền địa phương, quân và dân Sơn La đã làm hết sức mình, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Đồng bào và lực lượng vũ trang Sơn La đã góp phần bảo vệ, giữ gìn bí mật tuyệt đối cho các đại đoàn chủ lực của bộ đội khi di chuyển từ các vị trí đóng quân tới địa điểm tập kết tại Mộc Châu; bảo đảm an toàn Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị (ngày 5-6/4/1953), được tổ chức tại Sở Chỉ huy chiến dịch cách Mộc Châu 20km. Đồng thời, thực hiện kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu, quân và dân trong tỉnh đã tích cực tổ chức hoạt động quấy rối, phối hợp tác chiến nghi binh mạnh mẽ ở khu vực cụm tập đoàn cứ điểm Nà Sản, làm tăng thêm sự khẳng định phán đoán của Bộ chỉ huy quân sự Pháp về hướng tiến công của ta trong Xuân - Hè 1953 sẽ là Nà Sản.

Để góp phần đảm bảo nhân lực, vật lực cho chiến dịch, Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương tích cực làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân bằng nhiều biện pháp thiết thực hiệu quả. Nhiều địa phương phân công cán bộ trực tiếp xuống từng xã, bản để tuyên truyền vận động nhân dân đi dân công, đóng góp lương thực, thực phẩm. Tỉnh đã thành lập Hội đồng Cung cấp để kịp thời bảo đảm, phục vụ cho chiến dịch, huy động lực lượng xây dựng, bảo vệ và đảm bảo nhân lực cho 3 cụm kho trên dọc tuyến Suối Vát - Mộc Châu - Vạn Mai. Dù đời sống còn hết sức khó khăn, nhưng quân và dân Sơn La đã làm hết sức mình đóng góp phần to lớn để cùng toàn Khu Tây Bắc huy động được 34.650 dân công, 850 thuyền nan, 2.000 xe đạp, 180 ngựa thồ phục vụ chiến dịch; ủng hộ vật chất cho chiến dịch 4.975 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.440 con trâu, bò, 52 tấn thịt lợn, 12 tấn đường, 110 tấn rau quả và thực phẩm khác.

Sau gần một tháng tiến hành chiến dịch, liên quân Việt Nam - Lào đã tiêu diệt, bắt, làm tan rã gần 2.800 binh lính và sĩ quan địch, chiếm một phần năm tổng số binh lực ở Lào, giải phóng trên 40.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một phần Luông Pha Băng và Phông Xa Lỳ với khoảng 30 vạn dân. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã tạo nên một cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào, tạo cho Cách mạng Lào một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam. Từ đây, Chính phủ Kháng chiến Lào có một hậu cứ vững chắc trong nước để hoạt động; Quân đội cách mạng Lào có một hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng. Hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước phát triển thuận lợi, góp phần quan trọng để phát huy liên minh đoàn kết chiến đấu giữa hai nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thành công.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt -  Lào, giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, trong đó có sự đóng góp của quân và dân Sơn La. Chiến thắng đó là một trong những dấu mốc quan trọng về mối quan hệ giữa tỉnh Sơn La với các địa phương của nước bạn Lào. Phát huy tinh thần Chiến thắng Thượng Lào, trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn nỗ lực vun đắp, phát triển quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Tỉnh Sơn La đã và đang tiếp tục xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với 9 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Phông Xa Lỳ, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng, Xay Xổm Bun) và đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trong giai đoạn 2015-2022, tỉnh Sơn La đã thực hiện hỗ trợ trên 133 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cho các tỉnh Bắc Lào chủ yếu các công trình trường, lớp học, sửa chữa trụ sở làm việc, hội trường; xây dựng 51 trụ sở Công an các bản của Lào giáp biên với tỉnh Sơn La; hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng để phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng cỏ và chăn nuôi. Giai đoạn 2020-2024, tỉnh Sơn La tiếp tục hỗ trợ 9 tỉnh có quan hệ hợp tác với tỉnh Sơn La, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng để xây dựng 1 công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế không ngừng phát triển và mở rộng. Đã có hàng chục nghìn lưu học sinh Lào được học tập, đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; riêng trong giai đoạn 2013-2022, tỉnh Sơn La đã tổ chức đào tạo cho 3.417 cán bộ và lưu học sinh Lào với tổng kinh phí 227,15 tỷ đồng. Sau khi trở về nước công tác, nhiều đồng chí đã được tín nhiệm, phân công giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ngành Y tế Sơn La đã cử các đoàn chuyên gia y tế, hỗ trợ trang thiết bị và thuốc chữa bệnh, phối hợp với các tỉnh Bắc Lào thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh phát sinh ở khu vực biên giới. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã trao tặng 18 máy thở Vsmart model VFS-410, 135.000 khẩu trang y tế, 45.000 khẩu trang vải và 9.000 chai dung dịch sát khuẩn tay, tổng giá trị gần 2,8 tỷ đồng cho 9 tỉnh của Lào có quan hệ hợp tác và chỉ đạo các sở, ngành, các huyện giáp ranh, các huyện kết nghĩa, hỗ trợ các địa phương, các ngành của nước bạn Lào trong phòng, chống dịch.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lực lượng công an, quân đội của hai bên luôn thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới.

Những thắng lợi trong kháng chiến cứu nước, trong đó có Chiến thắng Thượng Lào 1953 cũng như những kết quả hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã góp phần tô thắm và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, là nhân tố rất quan trọng để tỉnh Sơn La và các tỉnh bạn Lào giữ vững ổn định và ngày càng phát triển. Tỉnh Sơn La và các tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào luôn trân trọng, vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hai nước thấm nhuần lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức tư tưởng về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân tỉnh Sơn La và nhân dân các tỉnh của nước bạn Lào nói riêng, giữa Việt Nam và Lào nói chung; phát huy những kết quả đạt được trong kháng chiến chống kẻ thù chung, cũng như trong thời kỳ xây dựng và hợp tác, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh hiện nay. Qua đó, góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa Sơn La với các tỉnh của nước Bạn Lào, giữa hai nước Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Một số hình ảnh tư liệu về Chiến dịch Thượng Lào 1953

Đại biểu Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 (từ trái sang gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khang, Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Hoàng Văn Thái).

 

Bộ đội và nhân dân Việt Nam chuẩn bị tiếp tế cho nước bạn Lào.

 

Quân và dân Lào - Việt Nam vui mừng sau chiến thắng Thượng Lào, tháng 5/1953.

 

Quân và dân Lào - Việt Nam vui mừng sau chiến thắng Thượng Lào, tháng 5/1953.

 

Chiến sỹ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 giúp bạn Lào xây dựng đội du kích sau Chiến dịch Thượng Lào năm 1953.

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới