Ngày 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương; trên 300 nông dân tiêu biểu.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao trực tiếp thực hiện, kết nối trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Thường trực Hội Nông dân cấp huyện và đại diện các nông dân tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nông dân, HTX, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội nghị là cơ sở thực tiễn, góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2026- 2031) của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội nghị năm nay, diễn ra với nhiều điểm mới. Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11/2024. Tại các địa phương, diễn ra 63 hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân. Tại các diễn đàn, hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.
Chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nhận được khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đại diện nông dân tỉnh Sơn La có mặt tại hội nghị tại Hà Nội, nông dân Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, đặt câu hỏi: Hiện nay, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu, nên giá trị chưa cao. Chẳng hạn như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ra ở dạng nhân, tiền thu về 1 phần, còn 2 phần rơi vào các nhà rang xay, chế biến và thương mại… Vậy, Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách gì để “nâng tầm nông sản Việt” một cách đồng bộ, nhất là việc chú trọng tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa? Mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư các thiết bị nâng cấp hệ thống chế biến nông sản Việt theo chuỗi giá trị và tập trung vào chế biến sâu, nâng cao thu nhập, tăng giá trị nông sản cho nông dân.
Trả lời câu hỏi của nông dân Nguyễn Xuân Thao, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Chúng ta đang sản xuất những sản phẩm chúng ta có, chưa có nhiều sản phẩm thị trường cần. Chúng ta phải thay đổi tư duy, nghiên cứu nhu cầu thị trường, nghiên cứu mong muốn của khách hàng. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao kết nối với trong nước, các tỉnh thành, các doanh nghiệp. Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương hàng tháng phải có kết nối thị trường, tìm hiểu thị trường thế giới hiện nay có những gì, dự báo năm tới như thế nào. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư phải sửa các Luật trong đó có Luật Đầu tư, Luật hợp tác đầu tư. Hiện nay, các Luật này còn rất nhiều thủ tục không cần thiết.
Với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tại hội nghị, các nông dân nêu ý kiến, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính: cơ chế, chính sách thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024; chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung; cơ chế, chính sách khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chính sách hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp trả lời các ý kiến của nông dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là khát vọng rất lớn, phải thực hiện bằng được. Đề nghị các cấp chính quyền và người dân tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, ưu tiên phát triển; việc tháo gỡ nút thắt phải xuất phát từ thực tiễn. Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục y tế. Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị ở cơ sở phải luôn nắm bắt tư tưởng của nông dân; tích cực tuyên truyền các cơ chế, chính sách mới đến nông dân. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi tính tự lực tự cường, đoàn kết thống nhất trong toàn giai cấp nông dân, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại để phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!