Niềm vui ngày toàn thắng

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về một thời tham gia kháng chiến, phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh của cựu chiến binh Hoàng Văn Đe, bản Chiềng Sàng, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, vẫn còn nguyên vẹn.

Giọng nữ
ĐVTN xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu thăm hỏi, tặng quà cựu chiến binh Hoàng Văn Đe nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Sinh năm 1952, khi tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Hoàng Văn Đe đã chia tay gia đình và người vợ đang mang thai 3 tháng, lên đường nhập ngũ, biên chế vào đơn vị C3, Công an vũ trang Sơn La. Sau hơn 1 năm huấn luyện, ông được điều động về công tác tại Đồn Công an vũ trang Mường Lạn, huyện Sông Mã (nay thuộc huyện Sốp Cộp), thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng khu vực nội và ngoại biên. Đến cuối tháng 3/1975, ông được điều động về tập trung với lực lượng an ninh vũ trang của tỉnh, vào chi viện cho lực lượng an ninh vũ trang miền Nam. Thời điểm đó, phân đội của ông Đe có 3 đội: Đội trinh sát, vận động quần chúng và vũ trang, tổng số 60 người.

Ông Đe kể: Sau gần 4 ngày di chuyển bằng tàu hỏa từ Ga Hà Nội đến Huế, ngày 29/3/1975, phân đội của tôi tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô qua các địa phận: Huế, Tuy Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và cuối cùng là Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình di chuyển, sau khi bộ đội chủ lực đánh chiếm các địa điểm, phân đội của tôi có nhiệm vụ tiếp tục rà soát, tiêu diệt, truy bắt những nhóm ngụy quân còn sót lại, bảo vệ và vận động nhân dân ở lại quê hương.

Trong suốt quá trình ấy, kỷ niệm khiến ông Đe nhớ nhất là khi xe của phân đội bị hỏng tại Quy Nhơn, Bình Định; được bà con nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ, lo cơm nước trong quá trình sửa xe. Ông Đe nhớ lại: Trong nhóm bà con ra giúp phân đội, có một bà má vui mừng đến ôm tôi và nói với phân đội rằng “Má rất thương, rất quý bộ đội miền Bắc. Các má trong này mong các con từ ngoài kia vào đây để được gặp, để cùng quân dân miền Nam chiến đấu giành độc lập”. Trong lúc kháng chiến ác liệt, lại xa quê hương đã 7-8 năm, nên tất cả chúng tôi đều rất xúc động trước tình cảm và sự quý mến, động viên của nhân dân miền Nam. Đó chính là động lực tiếp thêm tinh thần chiến đấu, nhiệt huyết, quyết tâm góp sức giải phóng miền Nam.

Ngày 28/4/1975, sau khi tiêu diệt địch thành công ở Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn - Gia Định, phân đội của ông Đe được phân công nhiệm vụ tiếp nhận căn cứ Trảng Bom và thực hiện phòng thủ không để địch phản công, bảo vệ nhân dân và chính quyền mới thành lập. Nói về giây phút nghe tin chiến thắng, ông Đe kể: Ngày 30/4/1975, chiếc đài của đơn vị phát thông tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, cảm giác vui sướng, hạnh phúc như vỡ òa không thể diễn tả được. Đồng đội ôm nhau vừa khóc, vừa hô vang “Chúng mình được sống rồi, được trở về với quê hương rồi”... Bà con khi đó cũng tràn ra đường, hô vang các khẩu hiệu chúc mừng chiến thắng. Giây phút lịch sử ấy tôi không bao giờ quên. Ngay sau khi dành chút ít thời gian mừng chiến thắng, chúng tôi không chủ quan, tiếp tục quay lại làm nhiệm vụ phòng thủ tại đơn vị.

Sau 6 ngày giải phóng miền Nam, đến đầu tháng 5/1975, quân Pol Pot bắt đầu có những hành động thù địch chống phá Việt Nam, Cục an ninh vũ trang miền Nam đã điều động phân đội của ông Đe lên Tây Nguyên, đóng quân tại Đồn 8, Công an vũ trang Đắk Lắk, trực tiếp chiến đấu với quân Pol Pot. Từ cuối năm 1975 đến năm 1979, ông Đe cùng đồng đội đã tham gia các cuộc chiến đấu ác liệt với quân Pol Pot. Trận chiến ác liệt nhất, hơn 100 người tham gia, đến khi kết thúc chỉ còn 20 người sống sót nhưng đều bị thương. Bản thân ông Đe cũng bị chấn thương đầu và thủng màng nhĩ do bị đánh sập hầm trú ẩn. Tháng 1/1979, quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia, phối hợp với lực lượng nước bạn chiến đấu, giúp Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Đến tháng 6/1979, ông Đe được điều động từ Đắk Lắk về học sĩ quan nghiệp vụ ở Hà Nội. Tháng 12/1980, ông ra trường và được cử lên Sơn La công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La và tiếp tục được điều động sang nước bạn Lào thực hiện công tác ngoại biên. Từ năm 1981 đến năm 1987, ông trở về làm Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Háng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu). Đến năm 1989, do sức khỏe không đảm bảo, ông ra quân và về sinh sống tại bản Chiềng Sàng, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu. Trở về quê hương, ông Đe tiếp tục tham gia làm Bí thư chi bộ, rồi Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh bản. Hiện nay, ông Đe là bệnh binh 2/3, mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ hơn 5 triệu đồng.

Bước sang tuổi 73, mang trong mình những thương tật của chiến tranh, nhưng còn được trở về sống bên gia đình, là điều ông Đe luôn cảm thấy may mắn. Song, niềm vui ấy với ông chưa khi nào trọn vẹn, bởi trong tâm khảm, là nỗi nhớ về những đồng đội còn nằm lại chiến trường xưa. Trong câu chuyện của mình với các thế hệ trẻ, ông Đe mong muốn con cháu sau này luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông đã không tiếc xương, máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nỗ lực rèn luyện, học tập để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới