Ngày 22/4, đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, đã chủ trì cuộc họp Tổ nghiên cứu Đề án. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Sơn La năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ giảm từ 200 đơn vị hành chính cấp xã thành 75 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 67 xã và 8 phường). Phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm nguyên tắc thống nhất, gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với lĩnh vực giáo dục, giữ nguyên các trường THCS, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDTX chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Đối với lĩnh vực y tế, duy trì các Trạm Y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Cũng theo dự thảo Đề án, 100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được bố trí vào biên chế cấp xã; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cơ sở mới. Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, bản, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định.

Đối với việc xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính: Qua rà soát, hiện nay, toàn tỉnh có 200 trụ sở hành chính xã, tổng diện tích đất trên 1,16 triệu m2. Các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp không còn nhu cầu sử dụng được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương; bảo đảm sử dụng hiệu quả, phát huy công năng tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Việt đề nghị các thành viên Tổ nghiên cứu Đề án bám sát kế hoạch triển khai, căn cứ nhiệm vụ được phân công để tham mưu xây dựng, hoàn thiện nội dung Đề án đảm bảo tiến độ; phối hợp với các địa phương xử lý tài sản dôi dư, đảm bảo phát huy đúng công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng, quy hoạch, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xử lý nợ đọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; rà soát lại hệ thống nhân sự các xã, đảm bảo bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!