Ngày 21/11, tại tỉnh Sơn La, Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, tổ chức Hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Dự hội thảo, có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; báo cáo viên Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
BHXH, BHYT là những chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được Đảng và Nhà nước coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của đất nước. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 17,48 triệu người tham gia BHXH, bằng 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 90,89 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 91,86% dân số; 14,29 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp luôn triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật…
Tại tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 500 hội nghị truyền thông trực tiếp tại các tổ, bản, tiểu khu. Thành lập tổ xung kích tuyên truyền theo nhóm nhỏ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Hiện nay, toàn tỉnh có 123.085 người tham gia BHXH bắt buộc, bằng 16,2% lực lượng lao động; 41.667 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng 5,47% lực lượng lao động và 1.238.188 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 95,3% dân số, đạt 103,3% kế hoạch UBND tỉnh giao.
Bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận, thì kỹ năng tuyên truyền miệng về chính sách BHXH, BHYT của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của BHXH, BHYT chưa dễ hiểu, chưa thuyết phục. Một bộ phận cán bộ, chủ sử dụng lao động, công nhân lao động và người dân chưa hiểu rõ chế độ, chính sách và lợi ích, cũng như sự cần thiết phải tham gia BHXH, BHYT. Mặt khác, nhân dân có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng bệnh tật khó đến với mình, tuổi già còn xa mới tới, đặc biệt là tâm lý lúc nào ốm đau mới lo.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc tham mưu, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nội dung, kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng để người dân hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của BHXH, BHYT.
Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp, tham mưu Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, trong đó, chú trọng tuyên truyền miệng về chính sách BHXH, BHYT.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!