Không để một việc được giao cho hai cơ quan... Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến nghe Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản sáng ngày 12/5.
.jpg)
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
.jpg)
Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản 2010 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động điều tra, khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, có hiệu lực từ 1/7/2025, thay thế luật cũ. Luật mới thể hiện tư duy quản lý tài nguyên đổi mới, nổi bật là việc tăng quyền cho địa phương trong quản lý, khai thác khoáng sản theo hướng bền vững.
.jpg)
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình bày các điểm chính dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản. Theo đó, dự thảo Nghị định bao gồm 11 chương, với 155 điều quy định chi tiết 66 nội dung Luật giao và bổ sung 6 biện pháp thi hành. Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương, về cơ bản, các ý kiến thống nhất với phạm vi điều chỉnh, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định.
Tuy nhiên, một số quy định mới vẫn còn ý kiến khác nhau. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo Phó Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo về 6 nội dung: cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản nhóm I và II; việc thăm dò mở rộng với đơn vị đang khai thác hợp pháp; tiêu chí khoanh vùng khu vực không đấu giá quyền khai thác; phân công các bộ xây dựng quy định chi tiết theo Luật; các biện pháp thực hiện Luật Địa chất và khoáng sản và thời điểm ban hành Nghị định. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã đóng góp ý kiến, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong dự thảo nghị định.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là bước tiến lớn trong chính sách tài nguyên, với cách tiếp cận toàn diện, phân loại khoa học, quản lý minh bạch và thân thiện môi trường. Luật tạo nền tảng pháp lý cho ngành địa chất - khoáng sản phát triển hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu ý kiến đại biểu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW. Bộ Tư pháp cần rà soát kỹ các quy định, bảo đảm nghị định hướng dẫn đúng trình tự pháp lý, khả thi và dễ thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để doanh nghiệp được giải quyết thủ tục từ thăm dò đến chế biến qua một đầu mối, không để một việc giao cho hai người, cơ quan giải quyết.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!