Tổ chức SEA Games 31 chu đáo, an toàn

Hai tháng nữa Ðại hội thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra tại Việt Nam. Thời gian không còn nhiều và trong tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp, việc tổ chức thành công đại hội, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe cho thành viên các đoàn và lực lượng phục vụ là nhiệm vụ khó khăn cho nước chủ nhà chúng ta.

Hình ảnh linh vật và logo SEA Games 31. (Ảnh: Tổng cục Thể dục Thể thao)

SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận với 36 môn thể thao và khoảng gần 500 nội dung thi đấu, chủ yếu là các môn thể thao cơ bản của Olympic với sự tham dự của 25 nghìn người, trong đó có khoảng 10 nghìn vận động viên các nước. Kinh phí dành cho SEA Games 31 được chi từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương với tổng dự toán khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và Chính phủ đã đồng ý duyệt chi giải ngân lần một cho Ban tổ chức đại hội hơn 300 tỷ đồng để tổ chức, nâng cấp, chỉnh trang các công trình phục vụ thi đấu.

Cho đến thời điểm này, các hạng mục thi đấu của đại hội về cơ bản được sửa chữa, nâng cấp và hoàn thiện theo tiến độ cam kết của các nhà thầu, nhưng nhiều trở ngại, khó khăn mới phát sinh có thể ảnh hưởng mục tiêu đến tháng 4, mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật cho SEA Games 31 hoàn thành và đi vào vận hành thử. Một trong những nguyên nhân chính là tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp ảnh hưởng nhân sự thi công và việc mua sắm, vận chuyển, nhập khẩu trang thiết bị.

Trước những khó khăn nêu trên, Ban tổ chức đại hội đang khẩn trương triển khai hiệu quả các gói thầu cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ thông tin, truyền thông. Trong trường hợp chưa thể mua sắm được trang thiết bị thi đấu đạt tiêu chuẩn khu vực, có thể tính đến phương án mượn hoặc thuê, thậm chí hạn chế một số nội dung thi đấu nếu không kịp tiến độ. Ðây cũng là các biện pháp cuối cùng trong trường hợp bất khả kháng.

Với kinh phí hạn hẹp phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực, trong khi nguồn tài trợ không nhiều, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và tiết kiệm tối đa trong xây dựng các phương án về an ninh, giao thông, hậu cần, lễ tân khánh tiết, truyền thông, nhất là về công tác y tế phải phù hợp thực tế dịch bệnh ở từng địa phương.

Trong bối cảnh bình thường như ở kỳ SEA Games năm 2003 và một số đại hội thể thao quốc tế đã tổ chức tại Việt Nam, chúng ta có hàng nghìn tình nguyện viên phục vụ. Tuy nhiên, việc tuyển chọn tình nguyện viên ở thời điểm dịch bệnh hiện tại cần kỹ lưỡng, có thể rút kinh nghiệm từ các nước đã làm như huy động sự hỗ trợ từ nguồn cán bộ, nhân viên ở các ban, ngành liên quan công việc, kể cả những người đã nghỉ hưu ở các địa phương; nhất là những người có chuyên môn và am hiểu về phòng, chống dịch.

Các dịch vụ cấp cứu, xét nghiệm, bố trí cơ sở cách ly, điều trị cũng nên được tính toán, bố trí khoa học và an toàn. Kinh nghiệm từ các sự kiện thể thao quốc tế lớn và trong nước vừa qua cho thấy, bên cạnh việc tổ chức theo hình thức khép kín “bong bóng” cần sự tuân thủ tự giác và chặt chẽ, thì cũng cần linh hoạt phù hợp tình hình.

Theo quy định mới nhất của Ban tổ chức trong trường hợp phát hiện F0, chỉ cách ly và điều trị cá nhân vận động viên bị mắc Covid-19, không cách ly đối với các đoàn thể thao và phóng viên quốc tế, có phương án tổ chức các dịch vụ y tế trực tuyến suốt thời gian diễn ra đại hội. Bên cạnh phương án kiểm soát rủi ro dịch bệnh theo cấp độ, ứng dụng công nghệ vào công tác khai báo, cần chủ động theo sát, cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các nước và các đoàn tham dự để kịp thời ứng phó.

Với số lượng thành viên dự SEA Games 31 rất đông, trong khi chúng ta không tổ chức làng vận động viên như các kỳ đại hội trước mà bố trí ở tại các khách sạn theo hình thức khép kín, do đó việc quản lý, liên kết, phối hợp giữa các ngành  càng trở nên quan trọng, có các phương án dự phòng để công tác tổ chức phục vụ thông suốt, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới