Theo khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao kiêm Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games 11-2022 tại Indonesia Nguyễn Hồng Minh, các vận động viên (VĐV) thể thao người khuyết tật Việt Nam đã đạt thành tích nổi trội ở đại hội này. Không những lập kỷ lục về số lượng HCV, đoàn thể thao người khuyết tật nước ta còn cho thấy chất lượng cao của những tấm huy chương đó khi các VĐV phá 16 kỷ lục của đại hội, trong đó môn bơi phá 14 kỷ lục, môn cử tạ thiết lập hai kỷ lục.
Tổng cộng, đoàn Việt Nam giành được 65 HCV, 62 Huy chương bạc (HCB), 55 Huy chương đồng (HCĐ), xếp thứ ba toàn đoàn sau đoàn chủ nhà Indonesia (175 HCV), đoàn Thái Lan (117 HCV) và vượt xa đoàn đứng thứ tư là Malaysia (36 HCV). Đây là thành tích tốt nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam khi thi đấu ở nước ngoài từ trước đến nay.
Ngay cả ở đại hội tổ chức tại Việt Nam năm 2003, các VĐV nước ta cũng chỉ giành 81 HCV và vẫn xếp sau đoàn Thái Lan được 101 HCV. Sau quãng thời gian dài phải giãn cách vì dịch Covid-19, thành tích này ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của các VĐV trong suốt quá trình chuẩn bị và thi đấu tại ASEAN Para Games.
Hầu hết các VĐV đều phải tự tập tại nhà, chỉ có một số VĐV được tập trung đội tuyển quốc gia nhằm chuẩn bị cho Paralympic Tokyo 2020 vào năm ngoái. “Để có được thành tích này, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có phần quan trọng là sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên của gia đình, người thân, bạn bè và xã hội, giúp các VĐV vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, dành thời gian tập luyện để có thể đạt được những thành tích tốt nhất”-Phó Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận định.
Trong bảng vàng thành tích của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ghi nhận đóng góp hàng đầu của các đội tuyển: bơi (27 HCV, 20 HCB, 12 HCĐ-xếp hạng 2/11 đoàn), điền kinh (15 HCV, 25 HCB, 16 HCĐ-xếp hạng 3/11, cờ vua (13 HCV, 6 HCB, 11 HCĐ-hạng 2/11), cử tạ (10 HCV, 8 HCB, 3 HCĐ-hạng 2/11). Bên cạnh đó, mặc dù rất nỗ lực, song các VĐV nước ta đã không đạt được thành tích cao ở một số môn như bóng bàn (có 1 HCB, 10 HCĐ, xếp hạng 6/11 hoặc cầu lông (chỉ có 3 HCĐ, xếp hạng 5/11)...
Nói về thành tích chưa thật sự thành công của các đội tuyển này, một chuyên viên của Tổng cục Thể dục Thể thao đã nêu nguyên nhân chính là do các VĐV chưa được chuẩn bị kỹ, thiếu sự tập trung và nhất là thể lực chưa đáp ứng được yêu cầu thi đấu. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm để chúng ta có kết quả tốt hơn trong các giải và đại hội quốc tế của thể thao người khuyết tật thời gian tới.
Từ những đánh giá về thành tích nổi bật của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Trần Đức Thọ cho biết: ASEAN Para Games 11-2022 đã giúp Hiệp hội Paralympic Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao có cái nhìn chính xác hơn về lực lượng chủ chốt và thế mạnh của thể thao người khuyết tật, tập trung vào nhóm môn: bơi, điền kinh, cử tạ, cờ vua. Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để trình cơ quan quản lý nhà nước và huy động sự hỗ trợ của các địa phương để chuẩn bị tốt nhất cho đoàn thể thao người khuyết tật nước ta chuẩn bị cho ASEAN Para Games 12 sẽ được tổ chức tại Campuchia trong năm 2023.
Cũng theo ông Trần Đức Thọ, Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ đề nghị lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao bổ sung số lượng VĐV tập trung ở tuyển quốc gia cho bốn môn thế mạnh nêu trên, từ mức 30 người hiện nay lên 40 đến 45 người tham dự đại hội tại Campuchia. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kêu gọi các địa phương có nhiều VĐV tham gia đội tuyển người khuyết tật quốc gia tăng cường đầu tư chi phí tập luyện để các VĐV duy trì thành tích; tổ chức tập huấn, cập nhật các vấn đề kỹ thuật, thể thức thi đấu quốc tế cho các huấn luyện viên và VĐV, hướng tới các giải đấu quốc tế sắp tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!