Thành phố bên dòng Nặm La

Trước thềm xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La tự hào về những kết quả đã đạt được trong năm 2019. Thành phố chính thức đạt đô thị loại II sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy chuyển trao

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 cho lãnh đạo Thành phố.

Ảnh: TS

 

Với thành phố Sơn La, sự kiện được công nhận đô thị loại II theo Quyết định 466/QĐ-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là mốc son ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Khoác lên mình sắc diện mới, hiện đại, khang trang, giàu bản sắc, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ, đẩy mạnh công tác quản lý kiến trúc đô thị, tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng chung tay đầu tư, xây dựng...

Một điểm nhấn trong năm 2019 của Thành phố là khánh thành Quảng trường Tây Bắc, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc - Công trình là biểu tượng cho sự đoàn kết, chứa đựng tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, nhân dân Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Quảng trường sẽ là trung tâm diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh và của vùng Tây Bắc, nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch. Cũng năm nay, Thành phố còn khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm thể dục - thể thao quy mô 5,76 ha, tổng mức đầu tư trên 112 tỷ đồng, gồm sân vận động xây dựng theo tiêu chí đô thị loại II, sức chứa 10.000 chỗ ngồi; mặt sân bóng đá trồng cỏ tự nhiên với hệ thống tưới và thoát nước ngầm; xung quanh sân thiết kế 6 đường chạy vòng và 8 đường chạy thẳng; hệ thống đèn chiếu sáng, bảng điện tử hiện đại... tạo không gian tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao; là nơi đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, tạo điểm nhấn trong diện mạo, cảnh quan, kiến trúc đô thị hiện đại, năng động của Thành phố. Cùng với đó là các khu đô thị mới được quy hoạch khang trang, nằm 2 bên kè suối Nặm La trải dài, tạo không gian đô thị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.

Chia sẻ cảm xúc và niềm tự hào trước những đổi thay của phố núi, ông Lường Văn Út (tổ 15, phường Quyết Thắng) phấn khởi: Thật tự hào khi Thành phố được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tổ chức xây dựng Quảng trường Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Càng ý nghĩa hơn khi Thành phố được công nhận đô thị loại II đúng dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Chúng tôi thấy mình càng thêm trách nhiệm đóng góp xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại mà vẫn mang đậm đà bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Những ngày này, các xã vùng ven đô như Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, Hua La... càng như sôi động hơn bởi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Không giấu nổi niềm vui, ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, chia sẻ: Chúng tôi đã huy động nguồn kinh phí trên 35 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hơn 25 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng) để thực hiện chương trình; Chiềng Ngần đã cứng hóa trên 36 km đường giao thông trục xã, trục bản, ngõ bản; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chất lượng tốt, cả 16 bản, tiểu khu đều có nhà văn hóa, 14/16 bản có sân thể thao; Chiềng Ngần là xã cuối cùng của Thành phố cán đích nông thôn mới! Trong lĩnh vực này, Thành phố lại ghi mốc son khi là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. 8 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ năm 2012 đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp cả tiền mặt, ngày công trị giá 63 tỷ đồng; hiến đất, cây cối, hoa màu, vật liệu... quy đổi bằng tiền 50 tỷ đồng; xây dựng, cải tạo nhà cửa, các công trình vệ sinh ước tính khoảng 200 tỷ đồng và đầu tư phát triển sản xuất 450 tỷ đồng. Ngày 8/12/2019, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Một góc Thành phố Sơn La hôm nay.

Cùng với đó, các điểm hoạt động công cộng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp và các tuyến đường chính của thành phố đều được trồng cây xanh, trồng hoa, trang trí bằng hệ thống pa-nô, áp-phích hiện đại; các vườn hoa trên địa bàn các phường, xã được chăm chút, tưới nước, tỉa cành cẩn thận; các trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và khu du lịch sinh thái, văn hoá tín ngưỡng gồm đền, chùa cùng các khu di tích lịch sử, cách mạng, như: Đền thờ Bác Hồ - Quảng trường Tây Bắc; Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Nhà tù Sơn La; Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; hệ thống đường nội bộ dọc bờ suối Nậm La được đưa vào sử dụng... tất cả đang bừng lên sức sống mãnh liệt, tự tin.

Thông tin về những việc Thành phố sẽ làm trong năm Canh Tý 2020, ông Nguyễn Trung Khải, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Để nâng cấp các tiêu chí đô thị loại II, Thành phố đã được Trung ương và tỉnh phê duyệt cho triển khai xây dựng 13 công trình với tổng nguồn vốn đầu tư 33 tỷ đồng do ngân sách Trung ương cấp. Thành phố đang phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai các dự án, công trình trọng điểm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao cho các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện theo đúng tiến độ, góp phần xây dựng đô thị hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù tiểu vùng Tây Bắc.

Xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thành phố quyết tâm giành nhiều thắng lợi mới, phát huy cao độ thành quả đã đạt được, xây dựng Thành phố xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới