Nhà khoa học của nông dân

Là nhà giáo, nhà khoa học, Tiến sĩ Vũ Quang Giảng, Trưởng Khoa Nông - Lâm (Trường Đại học Tây Bắc) đã có nhiều sáng kiến, giải pháp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp địa phương, cải thiện đời sống nhân dân.

Tiến sỹ Vũ Quang Giảng nghiên cứu các phương pháp phòng trừ sâu đục quả xoài.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thái Bình, ngay từ thời còn học phổ thông, anh Giảng cũng một buổi đi học, một buổi đi làm đồng, có lẽ vì thế, anh thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của những người nông dân, nên anh quyết tâm trở thành kỹ sư nông nghiệp. Chia sẻ về lý do gắn bó với Sơn La, anh Giảng cho hay, tốt nghiệp chuyên ngành Bảo vệ thực vật (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) năm 1991, một lần lên Sơn La, thấy việc sản xuất của nông dân từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hái chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán canh tác, chế biến còn manh mún, lạc hậu..., trong khi mảnh đất này lại có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu, anh đã quyết định ở lại Sơn La.

 

Những ngày mới lên, anh Giảng từng làm việc 10 năm tại Công ty Cà phê cây ăn quả Sơn La, trực tiếp phụ trách hướng dẫn kỹ thuật trong khâu nông nghiệp, thấy rõ những hạn chế trong thực tiễn sản xuất, anh quyết tâm xây dựng ý tưởng nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để khắc phục. Tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Bảo vệ thực vật năm 2001, anh chuyển về công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, vừa làm công tác giảng dạy, đào tạo con em các dân tộc, vừa nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2012 anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành bảo vệ thực vật.

 

18 năm công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, Tiến sỹ Vũ Quang Giảng đã có 17 bài báo, ấn phẩm đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và hội thảo quốc tế, tham gia thực hiện 14 đề tài, dự án các cấp; trong đó, chủ nhiệm 11 đề tài (2 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước và 4 đề tài cấp cơ sở). Các kết quả nghiên cứu của anh và cộng sự đã mang lại lợi ích thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, điển hình là đề tài “Trồng thử nghiệm và chọn giống thanh long phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác tại tỉnh Sơn La”, đã tuyển chọn được giống thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của Sơn La, làm tiền đề phát triển giống thanh long ruột đỏ có giá trị xuất khẩu cho tỉnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân; đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu đục quả xoài tỉnh Sơn La”, xác định 24 loài sâu, bệnh gây hại trên cây xoài (17 loại sâu và 7 loại bệnh), hướng tới phòng trừ 3 loài sâu hại chính là: Bọ vòi voi, ruồi đục quả xoài và sâu đục hạt xoài. Đồng thời, xây dựng mô hình thâm canh cải tạo vườn xoài bằng phương pháp đốn trẻ đã phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và nâng cao năng suất, chất lượng xoài; tập huấn giúp cán bộ xã, bản và các hộ dân nắm vững được kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại xoài, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của quả xoài; đề tài “Một số đặc điểm sinh học của mọt đục quả cà phê Stephanoderes ham-pei Ferrari (Coleoptera: Scolytidae) hại cà phê tại Sơn La” có giá trị giúp người nông dân hiểu biết và phòng trừ hiệu quả đối tượng sâu hại nguy hiểm trong quá trình trồng và chăm sóc cây cà phê... Đặc biệt, năm 2018, “Giải pháp sử dụng bẫy Karomone phòng trừ mọt đục quả cà phê” của anh và cộng sự đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 6. Giải pháp đã được áp dụng từ tháng 12/2015 tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu. Bẫy Karomone làm giảm tỷ lệ gây hại của mọt đục quả cà phê từ 2,5 - 4 lần so với không dùng bẫy trong cùng một diện tích canh tác, giảm thiệt hại đáng kể do mọt đục quả gây ra, giúp người dân giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, hạn chế ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe con người và môi trường.

 

Trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, Tiến sỹ Vũ Quang Giảng cùng với các giảng viên của Khoa Nông-Lâm còn thường xuyên gắn các nghiên cứu vào bài giảng và thực nghiệm, từ đó tạo được sự hứng thú, thôi thúc các sinh viên nghiên cứu, áp dụng khoa học vào học tập lý thuyết cũng như thực hành trên thực tiễn. Hằng năm, Khoa có 5 - 7 đề tài cấp cơ sở của giảng viên và 10 - 15 đề tài cấp cơ sở của sinh viên thực hiện. Nhiều đề tài đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc gia, như: Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2012 (Vifotec); giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc 2017 - công trình được ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017; giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật trẻ khối ngành nông - lâm - thủy toàn quốc...

 

Tháng 12/2019, Tiến sỹ Vũ Quang Giảng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nhà khoa học của nhà nông - Phần thưởng cao quý cho những đóng góp của anh cho nền nông nghiệp địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới