Nghị lực của chàng trai khiếm thị

Dù khiếm khuyết về đôi mắt, nhưng với ý chí vươn lên, anh Quàng Văn Tuấn, bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen (Thành phố), hội viên Hội Người mù tỉnh đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Anh Quàng Văn Tuấn thực hiện xoa bóp, bấm huyệt cho khách hàng.

Do tai nạn lúc 6 tuổi, hai mắt anh Quàng Văn Tuấn mờ dần, sau đó mất hẳn thị giác. Từ đó, anh không tiếp tục đến trường học được nữa. Năm 16 tuổi, được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ, anh Tuấn theo học lớp đào tạo nghề xoa bóp, tẩm quất dành cho người mù. Sau 3 tháng học nghề thành thạo, anh được nhận vào làm việc tại cơ sở xoa bóp, tẩm quất của ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Cũng trong thời gian đó, anh còn tham gia lớp học xóa mù chữ của Hội, được tiếp cận với chữ nổi và đã đọc thông, viết thạo. Năm 2014, anh Tuấn tham gia Liên hoan tin học dành cho người mù lần thứ nhất do Hội Người mù tỉnh tổ chức và đoạt giải Nhì. Đến năm 2019, anh Tuấn đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi tay nghề xoa bóp, tẩm quất toàn quốc.

Do tích lũy được kinh nghiệm và tiền tiết kiệm trong gần 8 năm làm nghề xoa bóp, tẩm quất, đầu năm 2020, anh Quàng Văn Tuấn cùng với một hội viên khác trong Hội thành lập cơ sở xoa bóp, tẩm quất mới. Anh đã được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng tiền vốn và vay mượn thêm để đầu tư trang thiết bị, thuê địa điểm, mở cơ sở tẩm quất. Hiện, Cơ sở Quàng Tuấn tẩm quất người mù, xoa bóp - bấm huyệt - giác hơi có trụ sở tại đường Két nước, thành phố Sơn La đã đi vào hoạt động. Anh Tuấn trực tiếp thực hiện công việc và tạo việc làm cho 2 người khác, mức thu của cơ sở  400 - 500 nghìn đồng/ngày.

Anh Quàng Văn Tuấn tâm sự: Được Hội Người mù tỉnh quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho đi tập luyện, lại được học chữ, học nghề, tôi tự tin hơn, không còn mặc cảm về bản thân. Còn nhớ, khi kết thúc khóa học chữ nổi, có thể tự viết và đọc chữ, tôi đã xúc động đến phát khóc. Bây giờ, tôi đã có thể đọc báo, tự viết tên của mình, sử dụng điện thoại có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị, đó là điều mà trước kia tôi không dám mơ ước.

Đồng cảm với những người có chung hoàn cảnh, anh Tuấn dự định sẽ mở rộng cơ sở tẩm quất để tạo điều kiện cho những người khiếm thị vào làm việc, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, không còn là gánh nặng của gia đình và cộng đồng. Tấm gương về những người như anh Quàng Văn Tuấn - những người kém may mắn đã vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống bằng nghị lực của chính mình thật đáng trân trọng.

Anh Thư (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới