Nghề đồng nát

“Ai lông ngan, lông vịt, đồng nhôm sắt vụn, quạt cháy, máy hỏng bán đi...” - tiếng rao của những người thu mua đồng nát - từ lâu đã trở thành thứ âm thanh khá quen thuộc trong đời sống. Chẳng thể biết nghề đồng nát có từ bao giờ, nhưng đằng sau mỗi sọt đồng nát, nhiều ngôi nhà khang trang được xây mới, nhiều gia đình có việc làm, con cái được học hành đến nơi đến chốn...

 

Bà Nguyễn Thị Duộm, cơ sở thu mua đồng nát phường Chiềng Sinh sắp xếp hàng mua được trong ngày.

 

Đi dọc các trục đường vào xã Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, hay các bản, các ngõ xóm trên địa bàn Thành phố, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những người phụ nữ hoặc đàn ông, bịt kín mặt, đằng sau nặng trĩu bìa các-tông, lỉnh kỉnh chai lọ, giấy vụn, đồ điện hỏng... tất nhiên, đi kèm là tiếng rao quen thuộc, hoặc có thể bằng loa đài gắn trên những chiếc xe cũ kỹ... Cứ vậy, người cần bán đồ gọi với đồng nát lại, có gì bán nấy. Đồ nghề của những người làm nghề đồng nát cũng khá đơn giản, chỉ là một chiếc cân móc nhỏ, vài chiếc bao tải, đôi ba sợi dây thừng, chiếc xe đạp cà tàng hay chiếc xe máy cũ và một ít tiền lẻ... trang bị lèo tèo như vậy, nhưng cứ ngày ngày, từ sáng sớm tới nhá nhem tối, họ len lỏi vào từng ngóc ngách, ngõ hẻm, từng bản, xã để mua đủ những thứ đồ cũ như: giấy, sách, bìa các-tông, đồng, nhôm, chai lọ, vỏ lon... những thứ tưởng chừng vô dụng nhưng vẫn có thể tái chế. Có khi, họ còn tìm những thứ đồ bỏ đi ở những thùng rác ven đường, “biến” món đồ bỏ đi đó trở thành món trang trải cuộc sống thường nhật, là nồi cơm, là học phí, tiền trang trải sinh hoạt của cả một gia đình. Nghề đồng nát là nghề kén người. Không nhẫn nại, tỉ mỉ, sợ vất vả, khổ sở, đôi khi còn là cả ánh nhìn khinh khi của người khác..., chắc chắn không thể theo nghề.

 

Ông Trần Văn Sơn (tổ 6, phường Chiềng Sinh, Thành phố), năm nay đã 60 tuổi, có thâm niên trên 40 năm làm nghề đồng nát. Hồi còn trẻ, do điều kiện gia đình, ông không được học hành tới nới tới chốn, để kiếm tiền sinh hoạt, ông Sơn nhặt nhạnh vỏ chai, thanh sắt quanh xóm để bán lấy tiền tiêu, sau nhận thấy đồng nát là nghề “vốn ăn mày, lãi quan viên”, nên ông quyết định đi theo nghề. Mới làm,  với 2 chiếc bao tải và đôi quang gánh, ông chỉ đi quanh xã và vùng lân cận. Bắt đầu có vốn, ông sắm thêm chiếc xe máy để có thể đi xa hơn. Ông bảo một ngày đi làm bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc khoảng 9 giờ tối. Sáng ông đi xã Chiềng Mung rồi quay về quanh thành phố; buổi chiều có hôm đi vào tận bản Cang (Sông Mã) rồi đêm mới quay về. Sau mỗi ngày thu gom, bán lại cũng được 400-500 nghìn đồng; cả tháng kiếm khoảng 12 đến 13 triệu, trừ mọi chi phí còn được tầm 9 triệu đồng. Nghe thì có vẻ lãi, nhưng nhọc nhằn, vất vả, mưa nắng thất thường, lang thang ngoài đường, ăn uống không thành bữa..., chẳng phải ai cũng hiểu, cũng thấu! Rồi ông hóm hỉnh: Biết nghề vất vả, nhưng tôi toại nguyện vì nhờ nghề đồng nát này mà tôi lấy được vợ đấy! Trước đây, các cô chê nghề đồng nát không có tương lai, nên tôi ế đến tận năm 40 tuổi. Sau trên đường đi thu mua, tôi giúp một cô đồng nát kéo hàng về, thế là chúng tôi nên đôi lứa, bây giờ cũng đã có với nhau 2 mặt con. Hai vợ chồng cùng làm nghề, thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng một tháng, đủ trang trải sinh hoạt phí, nuôi các con ăn học và xây mới được căn nhà cấp 4 và làm chuồng trại để chăn nuôi...

 

Tìm hiểu thêm về nghề đồng nát, chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Nguyễn Trọng Dung - Nguyễn Thị Duộm, chủ cơ sở thu mua đồng nát tại phường Chiềng Sinh. Anh Dung cho  hay, 1 kg nhựa hiện được thu mua với giá 8.500-9.000 đồng, sắt vụn 6.000-6.500 đồng, giấy bìa 9.000 đồng. Cao giá nhất trong các loại đồng nát là đồng, được thu mua với giá 120-130 nghìn đồng/kg, vỏ các loại đồ uống 380-400 đồng/cái..., giá thu mua đồng nát có thể thay đổi theo thị trường. Mặc dù mới mở cơ sở 3 năm nay, nhưng anh chị đã trả được hết nợ do trồng trọt, chăn nuôi thua lỗ. Nếu gom được hàng nhiều, 1 tuần/lần khách hàng từ dưới Hà Nội đánh ô-tô lên cân hàng. Ước tính 1 ngày thu mua được trên dưới 1 tạ đồng nát các loại. Thợ đồng nát nào may mắn 1 ngày có thể đánh 6 đến 7 chuyến hàng về đổ hàng, những ngày thu mua được nhiều phải thuê thêm người làm mới hết việc. Để phục vụ cho việc đóng gói các loại chai nhựa, lon sắt hay giấy báo, anh chị cũng phải đầu tư máy ép nhựa, sắt các loại. Một tháng trừ mọi chi phí, anh chị vẫn để ra được 10 triệu đồng để tiết kiệm.

 

Cứ tưởng đơn giản, nhưng nghề đồng nát cũng đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp khá cao. Nếu thợ đồng nát không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những loại đồ không bán được, hay chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí lỗ. Nghề đồng nát cũng có tính “thời vụ”. Thường thì vào những ngày nghỉ cuối tuần thu nhập của người buôn đồng nát sẽ cao hơn. Bởi người dân, cán bộ, sinh viên cuối tuần họ mới có thời gian dọn dẹp nhà cửa, thanh lý bớt những đồ phế phẩm. Thời điểm trước, sau Tết là dịp “làm ăn được” của đội ngũ thu mua đồng nát bởi việc dọn dẹp nhà cửa nhiều đồ cũ bỏ đi và lượng vỏ lon nước ngọt, chai bia sau sử dụng. Ngoài sự vất vả, người thu mua đồng nát thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với đồ cũ, bụi, rác bẩn, không có dụng cụ bảo hộ lao động sẽ dễ mắc các bệnh về mắt, nấm, viêm mũi, ho lao... 

 

Công việc thu mua phế liệu của những làm nghề đồng nát không chỉ là một hình thức kinh doanh chân chính, tạo việc làm và thu nhập ổn định, mà còn góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Vì vậy, nghề đồng nát cũng đáng được trân trọng như những ngành nghề khác trong xã hội.

Phạm Hoa (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới