Sáng sớm hay chiều tối, trên từng tuyến đường của Thành phố, rất dễ bắt gặp hình ảnh những người lao công quét dọn, đẩy chiếc xe chở rác chất cao hơn người. Họ luôn lặng lẽ như vậy suốt bốn mùa, dù nắng, hay mưa vẫn âm thầm làm sạch, đẹp những tuyến phố, góp phần xây dựng thành phố Sơn La ngày thêm tươi đẹp.
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác thải sinh hoạt.
Trên mỗi tuyến đường thường có một đến hai người đảm nhiệm việc dọn vệ sinh. Công việc chính của họ là quét sạch lòng đường, vỉa hè và thu gom rác thải ở nơi công cộng, khu dân cư. Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La có 324 nhân viên, trong khi đó mỗi ngày phải xử lý từ 70 đến 80 tấn rác thải sinh hoạt các loại. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị Bùi Thị Thu Hà, tổ vệ sinh khu vực Trường Đại học Tây Bắc, đảm nhiệm 2 ca trong ngày, dù trời nắng hay mưa, chị Hà cũng đẩy chiếc xe chở rác đi dọc tuyến đường từ ngã 3 Quyết Thắng đến Trường Đại học Tây Bắc, vừa thu gom rác thải sinh hoạt, vừa quét dọn trên tuyến đường. Ðây là tuyến đường chính, nhiều xe cơ giới qua lại, nhiều dự án sửa chữa, cải tạo các công trình giao thông, nước sinh hoạt, nước thải..., nên ngoài rác thải sinh hoạt còn cả rác thải xây dựng rơi vãi từ các phương tiện phục vụ thi công gây ra. Nhiều khi, vừa quét dọn sạch sẽ, xe chở vật liệu đi qua làm rơi cát, đá ra mặt đường, thế là phải quét lại; cũng có khi, vừa đẩy xe đi thì có người mang rác ra đổ. Vì vậy, nếu làm ca chiều, khi công việc hoàn tất, về đến nhà thì trời đã tối. Chị Hà tâm sự: Nghề vệ sinh đường phố không chỉ thức khuya, dậy sớm, mà hằng ngày còn phải tiếp xúc với mùi hôi của rác, mặc dù được trang bị bảo hộ lao động, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Đoạn đường tôi phụ trách, hầu hết người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nên cũng đỡ vất vả hơn.
Còn chị Quàng Thị Hương chia sẻ: Ngày nào cũng vậy, công việc của tôi bắt đầu từ 17 giờ và kết thúc đến khi thu gom hết rác. Những ngày lễ, ngày tết, lượng rác thải nhiều hơn, vì vậy chúng tôi phải tăng ca, vất vả hơn ngày thường. Dù vậy, chúng tôi vẫn gắn bó với công việc để mỗi tuyến phố luôn sạch, đẹp.
Là một nghề vất vả và độc hại, phải làm việc theo ca, mỗi ngày phân thành 4 ca, từ 3 giờ đến 22 giờ, nhưng thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường cũng chỉ từ từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, không ít người đã không “trụ” được, phải từ bỏ công việc này. Hơn nữa, họ làm việc trong điều kiện thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi thối từ rác, chất thải, có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Rác sinh hoạt từ hộ dân, doanh nghiệp trường học, chợ... được công nhân vệ sinh môi trường thu gom, chuyển lên các xe chở rác, chở về địa điểm tập kết để xử lý. Do đặc thù công việc, phải làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, nên họ đối mặt với nhiều rủi ro, như: Tai nạn giao thông, bị các đối tượng xấu trêu ghẹo..., vất vả và hiểm nguy, nhưng họ vẫn làm việc có trách nhiệm, góp sức vì môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, không để rác thải đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi ra bên lề đường, mặc dù nhiều nơi đã đặt biển cấm đổ rác và cũng bất chấp quy định xử phạt của các khu dân cư, tổ dân phố; họ cho rằng, thu gom rác thải là trách nhiệm của công nhân vệ sinh. Vì vậy, công việc của người công nhân vệ sinh môi trường lại thêm vất vả.
Dù vất vả, nhưng những người công nhân vệ sinh môi trường luôn tự hào về nghề của mình, bởi họ đã và đang góp sức làm cho phố phường thêm xanh, sạch, đẹp. Mong rằng, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi và bỏ rác đúng nơi quy định. Đó là cách chia sẻ thiết thực nhất đối với những công nhân vệ sinh môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!