Phục vụ nhu cầu thư giãn cuối tuần của người dân, những năm gần đây, dịch vụ kinh doanh câu cá trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho các hộ kinh doanh.
Khách đến câu cá tại hồ câu Thôi Chấn Bẩy, phường Chiềng An.
Đến trải nghiệm điểm câu cá Nà Phừm, xã Chiềng Cọ vào dịp cuối tuần, mới 8 giờ sáng nhưng đã rất nhộn nhịp người đến câu, đủ mọi lứa tuổi. Đang mắc mồi vào lưỡi câu, anh Nguyễn Trung Thành, tổ 8, phường Tô Hiệu, chia sẻ: Những ngày cuối tuần, tôi thường cùng vợ con đi đến một số điểm câu cá để tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên và thỏa mãn thú vui câu cá. Đây không chỉ là dịp gia đình thư giãn sau tuần học tập, làm việc căng thẳng mà còn là dịp gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, được thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá theo khẩu vị truyền thống của đồng bào dân tộc Thái do chính tay mình câu, vừa dân dã lại an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở thích câu cá của anh Thành cũng là thú vui được nhiều gia đình, bạn trẻ lựa chọn. Câu cá không chỉ đơn thuần để thư giãn, mà còn rèn luyện và thử thách sự kiên nhẫn. Cùng ngồi bên hồ câu, có những người chỉ cần ngồi một lúc cá đã cắn câu và mỗi khi có người câu được cá tất cả đều suýt xoa tán thưởng. Nhất là lũ trẻ thì thích thú cầm vợt và xô phụ giúp bắt cá.
Chị Tòng Thị Trang, chủ điểm câu cá Nà Phừm, cho biết: Nhận thấy nhu cầu của người dân, năm 2016, gia đình tôi đầu tư kinh doanh dịch vụ câu cá, cải tạo 3 ha ao sẵn có của gia đình thành 1 ao lớn và 2 ao nhỏ, với hệ thống cầu, lán, nhà ăn, cùng dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Gần đây, lượng khách ở các tỉnh dưới xuôi, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và khách du lịch nước ngoài tăng nhanh, chúng tôi tổ chức thêm hoạt động khách tự vào bếp nấu ăn theo sở thích, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ vào buổi tối, phối hợp với một số hộ kinh doanh Homestay trong xã sắp xếp nơi nghỉ, nhằm phục vụ tốt nhất cho khách du lịch. Bình quân chúng tôi đón từ 8.000-9.000 khách/năm. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 300 triệu đồng.
Cũng từ đam mê cá nhân, anh Nguyễn Kim Bẩy mong muốn tạo được điểm vui chơi lành mạnh cho các “cần thủ” và bản thân có thêm thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình, năm 2019, anh đầu tư 500 triệu đồng cải tạo hồ câu ở phường Chiềng Sinh có diện tích 1,5 ha. Anh Bẩy cho biết trung bình mỗi ngày đón hơn chục lượt khách, những dịp lễ, cuối tuần có thể lên đến 30-40 lượt/ngày, với mức phí 50 nghìn đồng/người, kèm theo dịch vụ ăn uống tại chỗ, năm ngoái, sau khi trừ chi phí, anh thu hơn 200 triệu đồng. Tiếp nối thành quả ban đầu, anh Bẩy đầu tư 1 tỷ đồng để mở thêm một điểm câu cá tại bản Bó, phường Chiềng An với diện tích 0,5 ha, xây thêm bờ kè, nhà nổi..., đều đặn mỗi tháng thả các loại cá như trôi, trắm, chép... xuống hồ. Để thu hút nhiều khách biết đến hồ câu của mình, tháng 5/2020, anh Bẩy đã tổ chức giải câu Thôi Chấn Bẩy mở rộng lần thứ nhất với gần 100 “cần thủ” đăng ký tham gia, tạo sân chơi bổ ích cho những người đam mê câu cá.
Trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 10 điểm câu cá dã ngoại lớn nhỏ, trong đó, được biết đến nhiều nhất là các điểm: Câu cá Nà Phừm (Chiềng Cọ); hồ câu Thôi Chấn Bẩy (Chiềng Sinh và Chiềng An); hồ câu Long Châu (Chiềng An); nhà hàng Sinh Thái Duy Khánh (Chiềng Sinh)... Với chi phí dao động từ 150- 200 nghìn đồng/người bao gồm cả câu cá, vui chơi, ăn uống... được coi là phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình. Đây là loại hình kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường, vừa là sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp mọi người giải tỏa căng thẳng, lại mang lại thu nhập cho cho người dân kinh doanh dịch vụ này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!