Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) vừa chính thức được kết nối tới tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước. Giờ đây, các ca bệnh khó, kể cả những trường hợp mắc Covid-19 cũng sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Kết nối Telehealth đến tất cả cơ sở y tế tuyến huyện
Từ tháng 6/2020, Bộ Y tế chính thức triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa. Ban đầu chỉ có một số bệnh viện tham gia, đến nay, dưới sự trợ giúp của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ phần mềm, các nhà cung cấp mạng, 100% các cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước đã được kết nối để tham gia đề án. Việc kết nối Telehealth làm cho ranh giới khám bệnh giữa tuyến trung ương và tuyến cơ sở được xóa bỏ. Khám, chữa bệnh từ xa mang lại lợi ích cho cả người bệnh và đội ngũ nhân viên y tế.
Tại lễ công bố kết nối mới đây, qua hệ thống Telehealth các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp hội chẩn với các bệnh viện tuyến huyện: Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Hậu Nghĩa (Long An), Thuận An (Bình Dương) và nhiều trung tâm y tế tại các huyện, thị xã trong cả nước để hội chẩn, tư vấn điều trị cho một số trường hợp mắc Covid-19 đang có dấu hiệu chuyển biến nặng.
Khi triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa, một bệnh viện hạt nhân (tuyến trên) có nhiều bệnh viện vệ tinh (tuyến dưới) và một bệnh viện tuyến dưới có thể là vệ tinh của nhiều bệnh viện hạt nhân để được kết nối hỗ trợ. Mới đây, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện để nâng cao hiệu quả điều trị cho người mắc Covid-19.
Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viễn thông Công nghiệp Quân đội) cho biết, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020 đến nay kết nối hơn 30 bệnh viện tuyến trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới, trong đó nhiều đơn vị khu vực miền núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Tính đến nay, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống này.
Tối ưu hiệu quả kép
Sau một thời gian Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia thực hiện đề án khám bệnh từ xa, việc khám, chữa bệnh bằng phương thức mới này đã thu được nhiều kết quả khả quan như: bảo đảm giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm tình trạng quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên - tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện… PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị chưa được nâng cao về chuyên môn. Telehealth không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả giảm rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân từ nhà đến viện, giảm tỷ lệ chuyển bệnh viện từ tuyến cơ sở đến trung ương và nhất là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh. Trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, những trường hợp người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho khan, sốt, mệt mỏi, khó thở, mất cảm giác mùi vị… thì sử dụng việc thăm khám nhanh qua hình ảnh trực tuyến được gửi qua ca-mê-ra thì người bệnh không cần đến bệnh viện sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển, giảm thủ tục hành chính, chi phí thăm khám bệnh và giảm khả năng lây nhiễm bệnh.
Triển khai Telehealth, từ tình huống cụ thể, kết hợp với hình ảnh, video và tương tác trực tiếp thì các thầy thuốc bệnh viện tuyến trên sẽ bổ sung kiến thức, kinh nghiệm điều trị cũng như giải đáp thắc mắc của đồng nghiệp tuyến dưới. Cùng một buổi trực tuyến thì hàng chục, thậm chí hàng trăm đầu cầu có thể tham gia, không giới hạn số lượng bác sĩ. Đây là một lợi thế rất lớn của đào tạo trực tuyến mang lại. TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho rằng, khám, chữa bệnh từ xa là một chương trình mang lại hiệu quả kép. Cùng một ca bệnh khó, thầy thuốc của nhiều bệnh viện có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Trong tương lai, với sự phát triển của các thiết bị y tế tích hợp với điện thoại thông minh và sự phổ cập công nghệ 5G càng giúp tăng khả năng kết nối nền tảng Telehealth cũng như những dịch vụ khác. Về lâu dài, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám, chữa bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Những kinh nghiệm của bác sĩ kết hợp với máy móc và giải pháp công nghệ, dữ liệu kỹ thuật số đã đem đến những hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh. Telehealth không chỉ là giải pháp hữu ích trong thời gian dịch Covid-19, mà trong tương lai sẽ là xu hướng chuyển đổi số của ngành y tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!