Việt Nam sẽ phát triển vaccine phòng ngừa ung thư

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn, thời gian tới, vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung sẽ sớm được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tại Cuộc họp nhóm đối tác y tế đầu năm 2019 với chủ đề “Đổi mới chính sách y tế Việt Nam”, diễn ra ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với việc dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, ngành y tế Việt Nam đang tiến tới phát triển dự phòng một số vaccine phòng ngừa ung thư, trong đó có vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) đang hỗ trợ Bộ Y tế triển khai sản xuất vaccine 5 trong 1, đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Bộ Y tế mong muốn, thời gian tới, vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung cũng sẽ sớm được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Chúng tôi đang muốn đưa vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vào phổ cập rộng rãi cho người dân, phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài chính đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế cũng mong nhận được sự trợ giúp của các đối tác quốc tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Các đại biểu tham gia Cuộc họp nhóm đối tác y tế chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: ĐT

Theo thống kê, hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 phụ nữ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong hàng năm vì căn bệnh này. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương sử dụng vaccine.

Về vấn đề này, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, trong 3 năm qua, UNFPA cũng đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam trong việc triển khai các chiến lược phòng chống ung thư, nhằm giúp Việt Nam phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc các bệnh ung thư cũng như các hoạt động liên quan đến tiêm phòng để bảo vệ cho thế hệ tương lai.

Theo bà Astrid Bant, đã có nhiều bằng chứng cho thấy nếu các em gái được tiếp cận với vaccine HPV và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm một cách có hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể giảm đáng kể con số tử vong do bệnh này gây ra.  Được biết, mặc dù vaccine HPV đã được thí điểm thành công nhưng hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, hiện nay các chi phí liên quan tới tiêm vaccine HPV và thực hiện xét nghiệm sàng lọc sớm về ung thư cổ tử cung hiện vẫn chưa được gói bảo hiểm y tế quốc gia chi trả. Đây chính là một rào cản lớn Việt Nam cần phải vượt qua.

“Hiện UNFPA đang thực hiện các hoạt động liên quan đến sàng lọc ung thư cho cộng đồng và người dân Việt Nam nói chung. Việt Nam cần ban hành các cơ chế tài chính y tế thích hợp để cải thiện việc tiếp cận với việc tiêm vaccine HPV, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục quan trọng khác”- bà Astrid Bant- Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới