Thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ sở kinh doanh bánh trung thu tại phường Quyết Tâm, Thành phố.
Hiện, toàn tỉnh có 7.128 cơ sở thực phẩm, trong đó 2.091 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.105 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 376 bếp ăn tập thể, còn lại là các cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm. Hàng năm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) các huyện, thành phố đã tổ chức các chiến dịch truyền thông giáo dục kiến thức về ATTP; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh củng cố các điều kiện đảm bảo ATTP; tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với các cơ sở chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 1.200 buổi nói chuyện cho gần 7.000 lượt người về các nội dung đảm bảo vệ sinh ATTP; tổ chức 17 lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị ATTP cho gần 500 lượt cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Cung cấp gần 1.000 đĩa DVD truyền thông và phát hơn 2.200 lượt bài tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn... Thành lập hơn 350 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp, tổ chức thanh tra trên 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, 1.870 cơ sở đảm bảo vệ sinh ATTP, 37 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền là 123 triệu đồng, 1 cơ sở buộc tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc và hơn 200 ca ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng cũng từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Linh, tổ 8, phường Chiềng Lề, Thành phố, chia sẻ: Hiện đang là dịp Tết trung thu, thị trường bánh kẹo, nước ngọt, quả tươi phong phú, tiềm ẩn nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an ATTP. Vì vậy, tôi chọn mua bánh trung thu, nước ngọt ở các cơ sở kinh doanh có uy tín, những sản phẩm có thương hiệu lâu năm, có tem mác và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bà Lê Thị Hòa, chủ cửa hàng tạp hóa Sơn Hòa, tổ 11, phường Quyết Tâm, Thành phố, cho biết: Các mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt, rượu, bia được nhập trực tiếp hoặc từ nhà phân phối chính của các công ty sản xuất. Chúng tôi nhập từ 500-1.000 chiếc bánh trung thu của Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam về bán trong dịp Tết trung thu.
Mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” (từ khách sạn Thảo Nguyên, thị trấn Nông trường Mộc Châu đến công viên tiểu khu 8, thị trấn Mộc Châu), có hơn 140 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Anh Trần Văn Công, tiểu khu Bệnh viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chủ cửa hàng đồ ăn nhanh Gà rán KFC, cho biết: Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến được chúng tôi đặt mua từ các cơ sở uy tín trên địa bàn. Quá trình chế biến, các đồ dùng, dụng cụ nhà bếp đảm bảo vệ sinh, nguyên liệu bảo quản đúng cách. Hàng năm, cửa hàng cử người tham gia các lớp tập huấn kiến thức ATTP do Trung tâm Y tế huyện tổ chức.
Bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng hiện nay luôn được cả cộng đồng quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và trách nhiệm cho các hộ sản xuất kinh doanh, chủ cơ sở chế biến thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đảm bảo kiểm soát thị trường cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Người dân khi phát hiện các đối tượng buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hãy báo ngay cơ quan chức năng để xử lý.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!