Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư và giảm các ảnh hưởng của dịch bệnh HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bác sỹ Trạm Y tế xã Tạ Bú (Mường La) tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ảnh: Huyền Trăng
Theo tổng hợp, 10 tháng qua, toàn tỉnh đã phát hiện mới trên 110 người nhiễm HIV, nâng số người nhiễm HIV còn sống lên hơn 4.910 người. Đáng lưu ý là HIV/AIDS đã lan đến các xã, bản vùng khó khăn, có nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó, các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV tự nguyện đi xét nghiệm HIV/AIDS còn hạn chế; tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trước, trong và khi chuyển dạ khoảng 50-60%.
Bác sỹ Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và giảm tử vong liên quan đến AIDS. Trong đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS”. Tăng cường tuyên truyền những kiến thức về HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không kỳ thị với người bệnh AIDS...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở điều trị toàn diện HIV/AIDS, với trên 4.300 bệnh nhân đang được quản lý và điều trị ARV. Hơn 3.700 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, chương trình vận động khách hàng nguy cơ cao điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 12 huyện, thành phố; tổ chức 6 cơ sở điều trị PrEP tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện: Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Sông Mã và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên. Tính đến hết tháng 10, có trên 10.120 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, trong đó 9 trường hợp dương tính với HIV và đang được điều trị ARV.
Bác sỹ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, chia sẻ: Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với các đối tượng có nguy cơ cao và phụ nữ mang thai. Hiện quản lý, điều trị ARV đối với 70 trường hợp…
Bác sỹ Lù Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố, cho biết: Hiện 100% các xã, phường đã được truyền thông về lợi ích của xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV. Do đó, đã thực hiện được việc quản lý người nhiễm HIV và kết nối với cơ sở điều trị sau khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
Với mục tiêu đến năm 2025 có 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV; 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Ngày 11/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, thực hiện lồng ghép, phối hợp các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế và các hỗ trợ khác cho người nhiễm HIV sống hòa nhập cộng đồng. Phối hợp kiểm tra, giám sát các biện pháp can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là các cơ sở dịch vụ giải trí, cơ sở lưu trú. Huy động mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS; giảm nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm đối tượng nguy cơ cao và ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy, người có quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV. Đẩy mạnh chương trình bơm kim tiêm sạch, bao cao su, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên. Mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Duy trì hoạt động 14 phòng khám điều trị ngoại trú tại 12 bệnh viện đa khoa trong tỉnh. Đồng thời, triển khai các điểm điều trị lưu động, cấp phát thuốc ARV đến các xã vùng sâu, vùng xa. Tổ chức điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội…; huy động sự tham gia của y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS...
Với nhiều giải pháp tích cực, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, tin rằng, đến năm 2025, các mục tiêu đề ra sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, góp phần giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đối với cuộc sống cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!