Tăng cường các biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế, Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động và đưa ra những biện pháp ứng phó căn bệnh này.

Infographic khuyến cáo phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
Infographic khuyến cáo phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.

Theo thông báo của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công-gô và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa. Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực...

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực; bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0% đến 11%.

Bệnh đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy, vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Tới thời điểm ngày 18/7, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan. Từ đầu năm đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có năm trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả sáu khu vực.

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam ở nhóm một (chưa có trường hợp xác định bệnh). Tại cuộc họp mới đây, các chuyên gia y tế trong nước và nước ngoài đều cho rằng nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực. Do vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý ca bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan cũng như tử vong.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, từng tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh tại địa phương mình; các đơn vị thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống phù hợp; các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur, cơ sở y tế có năng lực chủ động củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh; đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, nhất là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Hiện nay, các viện đầu ngành như: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đang đề nghị Tổ chức Y tế thế giới cập nhật thêm quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ; chuyển giao sinh phẩm và hỗ trợ các hóa chất để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh.

Đối với công tác điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết các chuyên gia đang soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ, trong đó phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng. Đáng chú ý, đường lây chính đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, do đó cần có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế. Ngay sau khi hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ được ban hành, Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế.

Được biết, các đơn vị trực thuộc ngành y tế vẫn đang thường xuyên liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ, cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế xây dựng các Infographic khuyến cáo phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; hoàn thiện bộ tài liệu hỏi-đáp về bệnh đậu mùa khỉ và cung cấp đến các cơ quan báo chí, 63 tỉnh, thành phố để truyền thông đến người dân.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã xây dựng, triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ; phương án điều trị khi có ca bệnh…

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới