Toàn tỉnh hiện có 4.970 trẻ khuyết tật từ 0 đến dưới 18 tuổi, trong đó khoảng 20% trẻ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tự kỷ, các bệnh chậm phát triển trí não. Trẻ mắc bệnh thường khó khăn về ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, hội chứng tăng động, giảm chú ý; biểu hiện chậm nói, không tập trung, sống thu mình trong thế giới riêng... Dẫn đến bị giới hạn về trí tuệ, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức và phát triển bình thường về thể chất, tinh thần.
Tại khu can thiệp cho bệnh nhi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, mỗi lớp can thiệp có 1 điều dưỡng kèm 1 trẻ. Nhiệm vụ của điều dưỡng là hướng dẫn lặp đi lặp lại 10 lần, 20 lần, thậm chí hàng trăm lần để trẻ biết chữ cái, con vật hoặc nói tên của mình. Anh Giao Văn Long, điều dưỡng khoa Tâm Căn, chia sẻ: Để trẻ bị mắc hội chứng rối loạn tự kỷ và các bệnh chậm phát triển tâm thần tập trung nhận biết một việc hoặc để kích thích trẻ tương tác lại với người đối diện là điều rất khó khăn, cần quá trình can thiệp kiên trì và nhẫn nại. Hiện, tôi đang can thiệp cho 5 trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý. Mỗi ngày trẻ được can thiệp các bài học cơ bản về những thứ xung quanh. Tùy vào mức độ bệnh và nhận thức của trẻ mà thời gian can thiệp kéo dài từ 2 tháng trở lên.
Can thiệp 1 điều dưỡng 1 trẻ mắc bệnh chậm phát triển ngôn ngữ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Việc điều trị trẻ rối loạn tự kỷ và các bệnh chậm phát triển tâm thần hạn chế không sử dụng đến thuốc hay những can thiệp y khoa khác, mà chủ yếu áp dụng phương pháp về tâm lý. Trẻ sau khi khám, chẩn đoán, được áp dụng liệu trình can thiệp phù hợp, như: Trị liệu ngôn ngữ; trị liệu theo nhóm cho trẻ tự kỷ; thể dục và âm nhạc trị liệu; dạy trẻ tự kỷ kỹ năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân... Nhiều trẻ được gia đình phát hiện sớm và đưa vào bệnh viện điều trị có tiến triển tốt. Như bé C.T.P, xã Chiềng Ngần, Thành phố, 3,5 tuổi, chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý và chậm phát triển về ngôn ngữ. Điều trị hơn 1 tháng, em có những tiến bộ tích cực, như nói được tên mình, biết quay mặt lại nhìn người gọi, biết lắng nghe và không còn quấy, khóc. Hay bé H.A.K, gần 3 tuổi, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, nhập viện với tình trạng chưa biết nói, mất ngủ, phá phách đồ đạc, chẩn đoán là rối loạn hành vi và chậm phát triển ngôn ngữ. Sau 3 tháng điều trị, bé K đã nói được 2 đến 3 từ đơn, giảm hẳn hành vi phá phách đồ dùng.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Nga, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần, cho biết: Các trẻ bị mắc hội chứng rối loạn tự kỷ, chậm phát triển tâm thần thường kéo dài, không khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhất là trước 3 tuổi, sẽ cải thiện từ 80 đến 90% các khiếm khuyết, giúp trẻ phát triển gần như bình thường. Can thiệp cho trẻ chậm phát triển tâm thần cần có sự phối hợp chặt chẽ từ chăm sóc sức khỏe kết hợp giáo dục, hướng dẫn thay đổi hành vi, trị liệu ngôn ngữ, tập luyện thể thao, tác động bằng âm nhạc... giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, thực hiện điều trị trẻ rối loạn tự kỷ, chậm phát triển tâm thần trên địa bàn tỉnh có Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và 2 Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tư thục huyện Mộc Châu và Thành phố. Các bệnh viện thực hiện test tâm lý, khám sàng lọc, chẩn đoán và áp dụng phương pháp trị liệu cho bệnh nhi; các trung tâm tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ... Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm, Thành phố, chia sẻ: Trung tâm đang can thiệp, trị liệu cho 80 trẻ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội. Mỗi trẻ đến đây được sàng lọc nguy cơ, kiểm tra, đánh giá và xây dựng giáo án riêng phù hợp với năng lực, hạn chế để giáo viên có phương pháp giúp các cháu hòa nhập tốt hơn.
Khi trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ và các bệnh chậm phát triển trí não, ngoài sự can thiệp theo các liệu trình, cha mẹ đóng vai trò then chốt trong việc can thiệp điều trị cho trẻ mắc bệnh. Đồng thời, cũng rất cần sự chia sẻ của người thân nhằm giúp gia đình và trẻ kiên trì theo đuổi quá trình điều trị lâu dài để trẻ phát triển bình thường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!