Huyện Thuận Châu có địa bàn rộng, dân cư đông, công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến nhiều bệnh mạn tính không được kiểm soát tốt, còn tình trạng vượt tuyến, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Từ thực tế trên, tháng 6/2021, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu đã triển khai mô hình “Phòng khám bác sỹ gia đình”, người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, phần lớn các bệnh lý thông thường được sàng lọc, không cần chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, nằm viện cho bệnh nhân.
Bác sỹ tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân đái tháo đường tự chăm sóc sức khỏe khi ra viện.
Phòng khám bác sỹ gia đình trực thuộc Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám, điều trị bệnh, tư vấn, hướng dẫn kiến thức phòng bệnh, cũng như hỗ trợ về tâm lý và lập hồ sơ quản lý sức khỏe (nhóm máu, tiền sử bệnh, các kết quả xét nghiệm, quá trình sử dụng thuốc, dị ứng thuốc...). Bác sỹ chuyên khoa II Hà Việt Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện, thông tin: Để vận hành tốt mô hình, bác sỹ gia đình đảm nhiệm ba vai trò chính, là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý. Do vậy, chúng tôi đã chọn 8 bác sỹ đa khoa, chuyên khoa, cử nhân điều dưỡng có chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/8/2019 của Bộ Y tế.
Bệnh viện đã đầu tư máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm, triển khai các dịch vụ điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm tại cộng đồng, như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tuyến giáp: Basedow, bướu giáp, suy giáp, cường giáp... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của mô hình bác sỹ gia đình qua việc điều trị, can thiệp sớm, tránh hậu quả của các biến chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Phát hiện sớm mắc đái tháo đường typ II sau khi làm xét nghiệm tại Phòng khám bác sỹ gia đình, ông Tòng Văn Chủ, bản Lốm La, xã Chiềng La, được các bác sỹ tư vấn nằm viện điều trị. Ông Chủ cho biết: Tôi được các bác sỹ theo dõi chỉ số đường huyết, tư vấn dinh dưỡng, sau 8 ngày điều trị, lượng đường máu về mức cho phép, tôi đã đủ điều kiện xuất viện.
Bác sỹ Thào A Mua, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, cho biết: Chúng tôi chú trọng việc tư vấn tâm lý, gần gũi với bệnh nhân, tạo sự thân tình, thấu hiểu về hoàn cảnh, sức khỏe người bệnh. Từ đó, người bệnh dễ dàng chia sẻ thông tin về gia đình và tiền sử bệnh, giúp chúng tôi sớm có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Các bệnh nhân có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh tại Phòng khám đều được quỹ BHYT thanh toán chi phí theo mức quy định của pháp luật. Phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh tự thanh toán. Riêng những bệnh nhân không có thẻ BHYT, phòng khám áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được niêm yết công khai. Từ khi thành lập đến nay, Phòng khám đã khám, điều trị cho gần 15.000 lượt người dân; quản lý 1.900 hồ sơ bệnh nhân, trong đó 700 hồ sơ điều trị cao huyết áp, 800 hồ sơ điều trị đái tháo đường, còn lại là bệnh lý về tuyến giáp...
Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa huyện tiếp tục đào tạo nhân lực theo nguyên lý y học gia đình; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho Phòng khám. Tăng cường các hoạt động chuyên môn, tổ chức khám sức khỏe ngoại viện miễn phí cho người cao tuổi tại 29 xã, thị trấn; từng bước thực hiện khám bệnh, kê đơn, thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, khí dung, tiêm truyền... tại hộ gia đình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!