Nâng cao năng lực cơ sở trong phòng chống bệnh lao

Với mục tiêu đánh giá thực trạng bệnh lao phổi và đề xuất giải pháp cho công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2017, sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh phê duyệt cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chủ trì; bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc sở Y tế (nay đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) làm chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu tỷ lệ mắc lao phổi và biện pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao tỉnh Sơn La năm 2017-2018”.

Nhóm thực hiện Đề tài phỏng vấn người dân tại Trạm Y tế xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Việt Nam hiện là nước thứ 15 trong tổng số 30 quốc gia có gánh nặng mắc lao cao và bệnh lao kháng thuốc. Tại Sơn La, chương trình phòng chống lao đã được triển khai từ năm 1993, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao, số bệnh lao phát hiện còn thấp, đặc biệt là lao phổi AFB (+) chưa đạt được mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia.

Để đánh giá tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh một cách chính xác và khoa học, nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành điều tra, phỏng vấn lâm sàng 2.040 trường hợp tại các huyện: Mộc Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp, là những đối tượng có biểu hiện ho khạc đờm trên 2 tuần kèm theo đau tức ngực, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, người mệt mỏi, gầy sụt cân…, tiến hành chụp X-quang phổi và xét nghiệm đờm. Bên cạnh đó, để tìm hiểu về kiến thức phòng chống lao và thái độ đối với bệnh nhân của cán bộ Chương trình chống lao, nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành phỏng vấn cán bộ y tế tại 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

Bác sỹ Trần Văn Ngọc, chủ nhiệm Đề tài đánh giá: Sau 2 năm nghiên cứu, cho thấy tỷ lệ mắc lao phổi AFB (+) mới trong dân số từ 15 tuổi trở lên tại Sơn La là 98/100.000 dân; tỷ lệ có triệu chứng nghi lao là 11,7% dân số, trong đó tỷ lệ ho khạc kéo dài trên 2 tuần là 11,1%; tỷ lệ X-quang tổn thương nghi lao là 4,9%. Con số trên cho thấy tỷ lệ nhiễm lao trong cộng đồng tương đối cao; kiến thức, thái độ, thực hành của cán bộ y tế cơ sở về các triệu chứng nghi lao, thời điểm xét nghiệm đờm, nguyên tắc và thời gian điều trị, chiến lược DOTS (điều trị lao ngắn ngày có giám sát hoặc điều trị lao ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp) và cách phòng bệnh lao chưa đầy đủ, đồng đều và gặp không ít khó khăn.

Còn theo bác sỹ Trần Thị Vân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), do địa bàn rộng, một số nơi chưa có cán bộ y tế bản hoạt động nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng chống bệnh lao nói riêng. Bên cạnh đó, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng kỳ thị, giấu bệnh, gây khó khăn trong công tác khám và sàng lọc bệnh lao. Khi người dân đến khám, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế chủ yếu làm công tác tuyên truyền, khám và chẩn đoán bệnh, nếu phát hiện bệnh lao thì phải đến cơ sở y tế tuyến trên.

Kết quả điều tra chỉ ra rằng, nhận thức của người dân về bệnh lao vẫn đang còn nhiều hạn chế, nhiều người còn e dè, mặc cảm tự ti; trong cộng đồng còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm lao. Trước thực trạng đó, Đề tài đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở và đẩy lùi tình trạng, cũng như sự lây lan bệnh lao tại địa phương, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030, như: Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở và chiến lược đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là kỹ năng tư vấn, giám sát hỗ trợ bệnh nhân lao và truyền thông giáo dục sức khỏe; ứng dụng tối đa các kỹ thuật chuẩn đoán lao mới và hiện hành để sớm phát hiện sớm bệnh lao, lao kháng thuốc, lao/HIV; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhóm người dân tộc thiểu số và người nghèo nghi lao; cơ chế chính sách trong việc phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác phòng, chống lao; tăng cường mọi nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng và tăng cường theo dõi, giám sát các hoạt động phòng chống lao.

Kết quả của Đề tài là cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược cho công tác phòng chống lao của tỉnh Sơn La trong thời gian tới; đồng thời, là cơ sở cho việc giám sát dịch tễ và các nghiên cứu định kỳ về bệnh lao tiếp theo trong tương lai.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới