Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình dân số: Giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh; tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; thí điểm kiểm soát dân số vùng biên giới; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh... đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ có thai.
Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới nhận thức về chính sách pháp luật về dân số và phát triển còn hạn chế, hủ tục lạc hậu, dẫn đến tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh... Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cơ sở thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực chuyên môn, lại chưa được đào tạo thường xuyên. Cùng với đó, kinh phí triển khai và duy trì hoạt động các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số hạn hẹp... Từ thực tế trên, là cơ quan chuyên môn, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu giúp Sở Y tế ban hành các hướng dẫn, kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số và phát triển.
Những năm qua, mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả tại 35 xã và 12 trường phổ thông dân tộc nội trú trong toàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai mô hình tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống thông qua nhiều hình thức: Trên hệ thống loa truyền thanh của xã; tuyên truyền trong các cuộc họp của xã, các tổ chức đoàn thể, cuộc họp bản, tiểu khu; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở... Hằng năm, tổ chức hàng nghìn buổi sinh hoạt nhóm nói chuyện chuyên đề, với sự tham gia của trên 225 nghìn lượt người cao tuổi, người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, vị thành niên, thanh niên... trên địa bàn triển khai mô hình. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; những tác hại của việc mang thai ở tuổi vị thành niên; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ; hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; lồng ghép các kiến thức về vệ sinh môi trường, kỹ thuật sản xuất... Thông tin tới lứa tuổi vị thành niên, thanh niên các phương tiện tránh thai; giải đáp những thắc mắc về Luật Hôn nhân gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Bên cạnh đó, các mô hình: Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh, tiếp tục được duy trì hoạt động, với 70 câu lạc bộ, 210 thành viên tham gia sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt lồng ghép tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức tuyên truyền, vận động, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, lợi ích của việc thực hiện mô hình... cho thành viên câu lạc bộ, trạm trưởng trạm y tế và cán bộ dân số các xã thực hiện mô hình. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 20% trong tổng số trên 5.400 người được tư vấn thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cùng với đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ còn phối hợp với các trường phổ thông dân tộc nội trú, THPT và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tổ chức hoạt động ngoại khóa thông qua hình thức cuộc thi tìm hiểu về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên... đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Đặc biệt, các điểm tầm soát dị dạng, bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tầm soát đối với gần 6.000 phụ nữ mang thai, trong đó đã phát hiện gần 50 trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu bất thường phải chuyển tuyến. Đồng thời, sàng lọc sơ sinh trên 2.500 ca, phát hiện 27 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Ngoài ra, mô hình thí điểm kiểm soát dân số vùng biên tiếp tục được triển khai tại 5 xã: Chiềng Khương, Mường Cai (Sông Mã); Mường Và, Nậm Lạnh (Sốp Cộp); Lóng Sập (Mộc Châu), cùng các xã giải quyết dứt điểm tình trạng di cư không theo quy hoạch và không còn trường hợp vượt biên trái phép...
Thông qua thực hiện các mô hình dân số, đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn về công tác dân số và phát triển, từ đó chuyển đổi hành vi dân số. Nhờ vậy, trên địa bàn triển khai các mô hình đã giảm số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên 76,5%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 15%... Thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình dân số, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dân số trong tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!