Mang lại ánh sáng cho bệnh nhân đục thủy tinh thể

“Năm nay tôi 70 tuổi, cách đây hơn 1 năm, mắt bắt đầu bị mờ, càng ngày nhìn càng không rõ, được con cháu đưa lên Bệnh viện Mắt tỉnh khám và được mổ thay thủy tinh thể, nay đã nhìn lại bình thường, mừng lắm". Đó là chia sẻ của bà Tòng Thị Ón, bản Lẳm, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn sau khi được phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

 

 

Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật phaco cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

 

Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, chúng tôi gặp bà Lường Thị Ngoãn, bản Đán, xã Chiềng Sàng (Yên Châu) đang ngồi chờ khám lại sau phẫu thuật. Bà Ngoãn chia sẻ: Tôi mổ thay thủy tinh thể mắt phải cách đây gần 1 tháng, hôm nay lên khám, nếu ổn định sẽ tiếp tục mổ thay thủy tinh thể mắt bên trái. Mắt sáng, việc đi lại, sinh hoạt thuận lợi hơn trước nhiều, cảm ơn bác sỹ giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh mù lòa của tuổi già.

 

Trường hợp của bà Tòng Thị Ón và bà Lường Thị Ngoãn chỉ là 2 trong số hàng trăm người bị đục thủy tinh thể được Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật thay thủy tinh thể, nay đã thấy lại ánh sáng. Là đơn vị chuyên khoa trực tiếp tham mưu và tổ chức triển khai các hoạt động phòng mù lòa, sau hơn 4 năm thành lập đi vào hoạt động, đến nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đã phẫu thuật và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mù do đục thể thủy tinh, glôcôm, mộng thịt, lác, sụp mi, quặm...

 

Bác sỹ Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù lòa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi. Ở tỉnh ta, số liệu điều tra cơ bản bệnh tật về mắt do các nguyên nhân có thể gây mù lòa chiếm 1,7% dân số, tương đương số người mắc khoảng 19.000 người; trong đó, mù lòa do đục thủy tinh thể chiếm 55,6%. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc. Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thủy tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua, khiến bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời.

 

Cũng theo bác sỹ Quyền, đục thủy tinh thể thường có 3 loại: đục nhân, đục vỏ, và đục dưới bao sau. Dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bị bệnh đục thủy tinh thể đó là giảm thị lực. Triệu chứng này có biểu hiện thường nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thủy tinh. Ở một số bệnh nhân lại có những triệu chứng như ra ngoài sáng thì nhìn kém nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Với những bệnh nhân chỉ đục ở vùng ngoại vi và vùng trung tâm còn trong thì triệu chứng sẽ ngược lại. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác, như: mắt nhìn có chấm đen, ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể...

 

Theo khuyến cáo của các bác sỹ chuyên khoa, bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh chữa được, tuy nhiên nếu không kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn. Cho đến nay khi ở thể nặng, thì phương pháp duy nhất là phẫu thuật phacoemusification (kỹ thuật mổ phaco). Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường. Chi phí một ca bệnh đục thủy tinh thể cũng chỉ giao động từ 7-9 triệu đồng trọn gói và vài trăm đến khoảng 1 triệu đồng đối với người bệnh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có thẻ bảo hiểm y tế.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn khoảng 10 nghìn người mù do đục thủy tinh thể cần được phẫu thuật, hằng năm số người mắc mới lại tăng thêm. Cùng với đó, rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện võng mạc tiểu đường cần phải theo dõi và can thiệp điều trị lâu dài; khoảng 33.000 đến 44.000 học sinh bậc tiểu học và THCS mắc tật khúc xạ cần được khám xác định và phải đeo kính; khoảng 20.000 người bị mộng thịt, hàng nghìn cháu nhỏ bị lác đe dọa đến chức năng thị giác... Đây là một thách thức lớn cho Bệnh viện khi hoạt động trong điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu.

 

Để mang lại ánh sáng cho bệnh nhân đục thủy tinh thể nói riêng và bệnh nhân bị các bệnh về mắt nói chung, thời gian tới rất mong tỉnh, ngành y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, bổ sung thêm nhân lực cho Bệnh viện. Trước mắt cần bổ sung máy mổ phaco, sinh hiển vi phẫu thuật, máy lase YAG, máy chụp cắt lớp OCT; các bộ dụng cụ phẫu thuật, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới