Những năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đẩy mạnh truyền thông giúp người dân có nhận thức tốt về công tác này.
Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Mung, Mai Sơn tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Là huyện có nhiều xã, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những năm trước đây, việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng sinh con tại nhà còn chiếm tới 14% số ca sinh trên địa bàn toàn huyện, một số trường hợp xảy ra tai biến sản khoa do đưa đến cơ sở y tế muộn; dinh dưỡng cho trẻ chưa thực sự đảm bảo, nhất là ở các xã có tỷ lệ người dân đi làm ăn xa.
Bà Hà Thị Tiến Thành, Trưởng khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn quản lý số phụ nữ mang thai; phối hợp với các trường học rà soát, cấp bổ sung vitaminA cho trẻ; tổ chức cân, đo định kỳ cho trẻ dưới 5 tuổi để có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp, lồng ghép trong các cuộc họp bản... Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; nâng cao chất lượng đội ngũ y tế bản...
Với những giải pháp tích cực trên, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có trên 70% lượt phụ nữ có thai được quản lý, khám thai trên 4 lần trong thai kỳ; 85% số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ; trên 95% trẻ được uống vitamin A; 95% số trẻ từ 2-4 tuổi được tẩy giun định kỳ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt...
Chị Nguyễn Thị Thảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Mung, cho biết: Trạm đã chủ động làm tốt công tác quản lý danh sách phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, trẻ dưới 5 tuổi, để tư vấn, hướng dẫn phương pháp bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé; vận động phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế tuyến trên để khám sàng lọc trước sinh. Hầu hết phụ nữ mang thai đều sinh đẻ tại các cơ sở y tế; đối với một số trường hợp sinh con tại nhà, sẽ có nữ hộ sinh hoặc cô đỡ thôn bản thực hiện chuyên môn.
Là xã có 9/19 bản giáp biên giới, Phiêng Pằn là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Xinh Mun và Mông. Tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn hạn chế. Trạm đã phát huy vai trò đội ngũ nhân viên y tế bản vận động các hộ gia đình không để phụ nữ sinh con tại nhà; hướng dẫn phụ nữ mang thai phương pháp chăm sóc sức khỏe thời kỳ thai sản. Phân công cô đỡ thôn bản tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn; hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc trẻ đúng cách; đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh...
Chị Phạm Thị Toán, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Phiêng Pằn, cho biết: Nhờ triển khai nhiều giải pháp, hàng năm, 75% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; trên 95% trẻ được uống vitamin A và thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, tình trạng sinh con tại nhà vẫn còn, riêng 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã có 40/53 trường hợp sinh con tại nhà.
Với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cùng với kiện toàn đội ngũ cô đỡ thôn bản ở xã vùng sâu, vùng xa có kỹ năng chuyên môn; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn đã tham mưu với chính quyền địa phương và ngành Y tế đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho các trạm y tế, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.c
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!