Ngày 4/10, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Theo công văn, để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi liên quan lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm theo tinh thần chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, nhất là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19.
Rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật; tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19). Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Sáng 4/10, đoàn công tác Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ngành y tế Hà Nội và quận Hoàn Kiếm có buổi làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại buổi làm việc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đề xuất và đã được các bệnh viện: Ðại học Y Hà Nội, Thanh Nhàn, Ðức Giang đồng ý tiếp nhận khoảng 1.000 người bệnh và người nhà người bệnh để giãn cách, từng bước làm sạch bệnh viện. Ðồng thời đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ về thủ tục đối với những trường hợp là người đã ghép tạng đến tái khám, lấy thuốc đúng thời điểm bệnh viện tạm phong tỏa chống dịch hiện đang kẹt tại bệnh viện; những trường hợp chạy thận chu kỳ được ra, vào để chạy thận…
Liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, ngày 4/10 ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19, trong đó có 7 ca tại Hà Nội và 1 ca tại Nam Ðịnh. Như vậy, tính từ khi phát hiện đến 18 giờ ngày 4/10, ghi nhận 41 ca mắc Covid-19 tại ổ dịch này. Trong đó có 33 ca phát hiện tại Hà Nội phân bố tại: Trung tâm phẫu thuật Ðại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7, Nhà D), Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa (tầng 7, Nhà D), Khoa Ung bướu (tầng 8, Nhà D), Khoa Hồi sức tích cực 2, Nhà ăn bệnh viện, người bán cơm tại phố Phủ Doãn. Ngoài ra, các ca mắc ghi nhận tại Nam Ðịnh 4 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Hải Dương 1 ca, Hưng Yên 1 ca. CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan đã lấy tổng cộng 16.850 mẫu xét nghiệm.
Ðại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, CDC và quận Hoàn Kiếm làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức. Ảnh: NGỌC TRANG
Chiều 4/10, Sở Y tế Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện trực thuộc và Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức về việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức. Theo đó, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ điều trị người bệnh đã có xét nghiệm RT-PCR âm tính hai lần đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức. Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức căn cứ vào tình trạng người bệnh, lập danh sách, liên hệ với các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội phối hợp chuyển người bệnh an toàn, đúng chuyên khoa, bảo đảm người bệnh được theo dõi và điều trị liên tục.
Ngày 4/10, lãnh đạo tỉnh An Giang họp đột xuất để quyết định phương án tiếp nhận, bố trí cách ly người dân tự phát từ các tỉnh, thành phố về địa phương. Do các khu cách ly tập trung không đủ sức chứa cho nên sau khi phân loại đối với người đã tiêm vắc-xin, người qua xét nghiệm âm tính được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện cách ly. Ðến ngày 4/10, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 27.000 công dân, qua xét nghiệm có 25 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, 53 trường hợp nghi nhiễm.
Ngày 4/10, tỉnh Cà Mau đón hàng nghìn công nhân lao động ở các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Long An… trở về. Cộng dồn qua 4 ngày, tỉnh đã đón hơn 13.000 công dân trở về tỉnh. Cà Mau đã kích hoạt cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch, tận dụng thêm trường học làm khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất tiếp nhận lên hơn 15.000 người.
Theo Báo cáo của Bộ Y tế, ngày 4/10, ghi nhận 5.383 ca nhiễm Covid-19 mới, gồm một ca nhập cảnh và 5.382 ca ghi nhận trong nước tại 37 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.690 ca tại cộng đồng. Trong ngày, có 27.683 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 130 ca tử vong tại chín tỉnh, thành phố. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 813.961 ca mắc Covid-19, trong đó có 721.480 ca được công bố khỏi bệnh và 19.845 người tử vong.
Việt Nam tiếp nhận vắc-xin phòng Covid-19 do Mỹ hỗ trợ
Chiều 4/10, Bộ Ngoại giao tổ chức tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 do Chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Ðặng Hoàng Giang cảm ơn về sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chương trình COVAX và Chính phủ, nhân dân Mỹ, góp phần vào nỗ lực của Việt Nam nhằm kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn và đưa đất nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Tiến sĩ Kidong Park, Ðiều phối viên thường trú lâm thời của Liên hợp quốc, kiêm Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cảm ơn các nhà tài trợ cho Chương trình COVAX và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy chiến lược tiêm chủng. Ðại biện Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein khẳng định, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sớm vượt qua đại dịch và xây dựng lại tốt hơn. Trưởng đại diện UNICEF Rana Flowers cũng cho biết, UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!