Hiệu quả quản lý thông tin tiêm chủng điện tử

Gần 3 năm qua, triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và báo cáo điện tử tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã góp phần cập nhật đầy đủ, nhanh, chính xác dữ liệu tiêm chủng, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các đối tượng tiêm so với cách làm truyền thống.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Tổ chức PATH, Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức gần 30 lớp tập huấn, hội thảo trực tiếp và trực tuyến cho trên 1.000 lượt cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng, quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng. Từ tháng 11/2019, các đơn vị có hoạt động tiêm chủng trong tỉnh đã đồng loạt thực hiện quản lý thông tin, báo cáo điện tử trong công tác tiêm chủng và được trang bị máy quét mã vạch điện tử.

           

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Sơn La nhập dữ liệu điện tử và khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

           

Bác sỹ Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Việc triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng điện tử là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thống kê, phân tích, giám sát thực hiện của các cấp về tiêm chủng quốc gia và tiêm vắc xin phòng Covid -19. Đồng thời, giúp giảm tải công việc lưu trữ hồ sơ, tổng hợp báo cáo; hỗ trợ nhập dữ liệu và kết xuất báo cáo nhanh. Chất lượng số liệu, dữ liệu giữa hệ thống và thực tế tại các cơ sở tiêm chủng đạt độ chính xác đến 99%...

           

Thành phố Sơn La hiện có hơn 1.600 trẻ dưới 1 tuổi và gần 1.630 phụ nữ có thai được quản lý. Trước đây, phải mất từ 1 - 3 ngày sau tiêm chủng mới hoàn thành việc báo cáo số lượng, vật tư y tế, cập nhật tình trạng phản ứng sau tiêm chủng. Từ khi thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng điện tử, 12/12 trạm y tế xã, phường được trang bị hệ thống máy tính có kết nối internet ổn định, máy quét mã vạch, thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước; 100% trẻ sinh ra được cấp đầy đủ mã số đăng nhập trên hệ thống, 100% phụ nữ mang thai được cấp mã số tiêm phòng uốn ván; việc lọc dữ liệu tiêm chủng được các trạm y tế thực hiện 1 lần/tuần.

           

Bác sỹ Tòng Văn Hiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Ngần, Thành phố, cho biết: Trạm thực hiện tiêm chủng cho 150 - 200 trẻ vào ngày 15 hàng tháng và tiêm vắc xin phòng Covid -19 từ 500 - 700 người dân/đợt. Áp dụng quản lý thông tin tiêm chủng điện tử đã giúp việc quản lý vật tư y tế, thông báo đối tượng ngày đến tiêm chủng nhanh, chính xác hơn. Đồng thời, giảm thời gian đăng ký cho người tiêm chủng, cập nhật dữ liệu, quản lý phản ứng sau tiêm; tổng hợp, báo cáo công tác tiêm chủng trong ngày và hàng tuần.

Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ Cuộc Sống, Bệnh viện đa khoa Cuộc Sống hiện có 35 loại vắc xin dịch vụ; trung bình mỗi ngày tiếp đón từ 20-30 lượt khách. Ngay từ khi hoạt động, Phòng đã thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng điện tử, lưu trữ số liệu về người tiêm, đăng ký tiêm vắc xin trực tuyến, nhắc lịch tiêm qua phần mềm điện thoại thông minh hoặc qua tin nhắn SMS cho trên 12.000 lượt tiêm chủng/năm.

           

Anh Vũ Tiến Vương, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, Thành phố, chia sẻ: Gia đình tôi đăng ký cho con tiêm chủng tại Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ Cuộc Sống, được hướng dẫn đăng ký tiêm chủng trực tuyến. Khi đến lịch tiêm, tôi nhận được tin nhắn SMS, nên không bị quên ngày tiêm của con. Quá trình tiêm chủng đảm bảo an toàn; việc cập nhật thông tin sau tiêm chủng cũng khá nhanh, chính xác.

           

Hiện nay, các cơ sở tiêm chủng tiếp tục duy trì và nâng cấp hệ thống nhập dữ liệu tiêm chủng điện tử; nâng cấp đường truyền mạng internet cho trạm y tế các xã vùng sâu, vùng cao để phục vụ công tác tiêm chủng; mở rộng và hướng dẫn người tiêm chủng, người giám hộ trẻ sử dụng sổ tiêm chủng điện tử trên smartphone, nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng, quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới