Với ưu điểm các vị thuốc nam có tác hại rất thấp hoặc không có, ít có tác dụng phụ, các loại thảo dược dùng làm thuốc nam đều có sẵn trong tự nhiên. Những năm qua, Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La đã kết hợp sử dụng các loại cây thuốc nam trong điều trị cho bệnh nhân; ngoài công dụng chính là chữa những bệnh mạn tính, một số bài thuốc nam còn chữa được những căn bệnh cấp tính, nan y có hiệu quả cao.
Bác sỹ Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, cho biết: Các loại cây thảo dược trên địa bàn tỉnh khá phong phú, nhiều bài thuốc nam đạt hiệu quả trong điều trị bệnh. Nhưng, để khai thác, sản xuất và đưa ra thị trường còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là, chưa có các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể để đưa thuốc nam vào trong hệ thống chính thống của bệnh viện. Do đó, thuốc nam chủ yếu do các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua thảo dược, bào chế, sau đó đấu thầu và đưa vào các bệnh viện sử dụng. Tuy nhiên, Ban giám đốc Bệnh viện thường xuyên khuyến khích, động viên đội ngũ thầy thuốc trong đơn vị nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc nam để kết hợp cùng thuốc tây y trong điều trị cho bệnh nhân.
Cán bộ Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La đóng gói thuốc nam.
Ảnh: Khải Hoàn
Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, những năm qua, Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La đã kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại trong chữa trị cho người bệnh. Đội ngũ cán bộ, thầy thuốc tích cực nghiên cứu đề tài khoa học sử dụng các bài thuốc nam để kết hợp điều trị. Trong đó, nhiều đề tài đã được áp dụng vào thực tế, như “Nghiên cứu sản xuất viên nang hế mọ điều trị viêm đại tràng” của dược sỹ Trần Phi Hùng; “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện y học cổ truyền Sơn La” của bác sỹ Hoàng Xuân Tâm. Đặc biệt, bác sĩ CKII Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện, ngoài các đề tài “Điều tra, đánh giá hiệu quả và sản xuất thử nghiệm bài thuốc nam điều trị viêm đại tràng của dân tộc Thái - tỉnh Sơn La”; “Sưu tầm nghiên cứu những cây thuốc, bài thuốc của dân tộc Thái và dân tộc Mông ở Sơn La”, còn xuất bản hai cuốn sách: Thuốc cổ truyền của dân tộc Thái và thuốc cổ truyền của dân tộc Mông ở Sơn La, cùng nhiều công trình nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế trong tỉnh và trên toàn quốc, như viên thuốc đại tràng an, phát triển thuốc y học cổ truyền ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An và bài thuốc tán sỏi C...
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, với hàng trăm nghìn bệnh nhân Covid-19. Để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân F0, Bệnh viện đã sản xuất 6 đợt thuốc y học cổ truyền, gồm: trên 8.700 thang thuốc, hơn 1.260 lọ siro ho; 6.350 gói thuốc xông toàn thân, hơn 17.400 túi thuốc sắc, hỗ trợ 100% các khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 trong toàn tỉnh để kết hợp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, trị giá hàng tỷ đồng.
Chị Lê Như Quỳnh, bản Cá, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, từng là bệnh nhân Covid-19, đã sử dụng siro ho và gói thuốc xông toàn thân của Bệnh viện Y dược cổ truyền trong thời gian điều trị, cho biết: Khi mắc bệnh tôi ho khá nhiều, nên đã sử dụng siro ho theo hướng dẫn của bác sĩ, những cơn ho giảm nhanh. Đồng thời, tôi nhận thấy, sử dụng gói thuốc xông khá thuận lợi, bởi không mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị mà hiệu quả cũng giống như các cây thuốc nam cùng loại chưa bào chế. Qua sử dụng một số loại thuốc nam của Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, chỉ trong 7 ngày, test nhanh kháng nguyên Covid-19 tôi đã có kết quả âm tính.
Chia sẻ về việc nghiên cứu đề tài khoa học lĩnh vực thuốc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sỹ Nguyễn Khánh Huyền, Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, cho biết: Hiện tôi và một số đồng nghiệp nghiên cứu và đề xuất với Sở Y tế, Sở Khoa học Công nghệ, đăng ký đề tài cấp tỉnh đánh giá hiệu quả của bài thuốc “Ngân kiều thang gia giảm” hỗ trợ điều trị Covid-19 tại tỉnh Sơn La. Chúng tôi mong muốn nghiên cứu bài thuốc điều trị hiệu quả, đảm bảo tính cấp thiết hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình hình mới. Đây là bài thuốc xây dựng trên cơ sở phương thuốc y học cổ truyền “Ngân kiều thang” kết hợp vị thuốc nam là cây thanh hao hoa vàng, đã được dùng từ xa xưa để điều trị các bệnh cảm mạo, viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau họng; điều trị viêm phổi ở trẻ em.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả của bài thuốc “Ngân kiều thang gia giảm” trong thực nghiệm điều trị triệu chứng bệnh Covid-19 và khả năng rút ngắn thời gian dương tính với SARS-CoV-2 tại khu điều trị Covid-19 ở thành phố và khu điều trị F0 tại một số huyện trong tỉnh. Thực tế cho thấy, tất cả các trường hợp sử dụng thuốc “Ngân kiều thang gia giảm” không có trường hợp nào có tác dụng không mong muốn, thường số ngày âm tính thấp hơn số ngày điều trị.
Trao đổi thêm về việc sử dụng thuốc nam kết hợp điều trị bệnh, bác sĩ Cầm Thị Hương cho rằng, hiện nay có nhiều danh mục thuốc nam rất có hiệu quả trong điều trị, như thuốc xông, thuốc đắp chườm gãy xương... nhưng lại không nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nếu bệnh nhân có nhu cầu phải tự mua để điều trị, dù số tiền mua thuốc không nhiều, nhưng với các bệnh nhân nghèo cũng không đơn giản. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành chức năng sớm nghiên cứu ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn việc đưa vào sử dụng các loại thuốc nam tại các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!