Trong những năm qua, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không bị mắc HIV.
Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Xôm (Thành phố) tư vấn việc phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tính đến ngày 31/5/2019, toàn tỉnh có 4.578 người nhiễm HIV, trong đó 1.685 phụ nữ, chiếm 36,8%, chủ yếu ở Mai Sơn, Mường La, Thành phố, Thuận Châu, Sông Mã. Những năm trước đây, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trước, trong và sau sinh đạt khoảng 50-60%. Tỷ lệ này chưa cao là do phụ nữ mang thai chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, để giảm thiểu lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (nay sáp nhập về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: Truyền thông về chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con trực tiếp và gián tiếp; xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai; điều trị ARV cho phụ nữ có thai nhiễm HIV; điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV... Đồng thời, tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa. Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Tổ chức các hoạt động: Tọa đàm, hội thảo, truyền thông, hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hằng năm (từ 1-31/6) với hàng trăm nghìn lượt người tham gia.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn được triển khai cùng với các chương trình phòng chống HIV/AIDS khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động can thiệp được triển khai nhằm ngăn chặn từ xa để phụ nữ không bị nhiễm HIV; hướng dẫn phụ nữ nhiễm HIV không mang thai ngoài ý muốn; điều trị bằng thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai... Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế có chuyên khoa sản ở tuyến tỉnh, huyện đều đã cung cấp gói dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ngoài ra, 100% trạm y tế cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai. Tính từ năm 2018 đến tháng 4/2019, toàn tỉnh có 31.630 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV (trong đó, phát hiện 60 người nhiễm HIV); tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trước, trong và sau sinh tăng lên 86%. Các phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị thuốc ARV, đã có 17 trẻ được làm xét nghiệm lần 1 và đều âm tính với HIV.
Y sỹ Nguyễn Thị Luyện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Xôm (Thành phố) cho biết: Qua nghe đội ngũ y, bác sỹ của Trạm tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong xã không còn e ngại với việc xét nghiệm HIV như trước nữa. Tính từ năm 2018 đến nay, Trạm đã phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố tư vấn, xét nghiệm HIV cho trên 120 lượt phụ nữ có thai trên địa bàn, kết quả đều âm tính với HIV.
Theo Bác sỹ Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những phụ nữ bị nhiễm HIV được tư vấn về: Nguy cơ khi mang thai, sinh đẻ, việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này, qua đó, giúp họ biết cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và lựa chọn việc đình chỉ thai hay tiếp tục mang thai và sinh đẻ. Ngay khi phát hiện bị nhiễm HIV cần uống thuốc kháng virut HIV, tuân thủ điều trị tốt và lựa chọn thời điểm mang thai hợp lý khi tải lượng virut HIV dưới ngưỡng ức chế. Trong thời kỳ mang thai sẽ được các y, bác sỹ thăm khám thai định kỳ hằng tháng; lựa chọn nơi sinh con tại bệnh viện đa khoa có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ sau sinh sẽ được dùng thuốc ARV, dùng liên tục từ 6 đến 12 tuần. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được dùng sữa ngoài thay thế trong 6 tháng đầu hoặc có thể bú sữa mẹ nếu mẹ uống thuốc ARV tuân thủ điều trị tốt.
Có thể nói, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con góp phần tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về cách dự phòng để không bị lây nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai, nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV để có biện pháp can thiệp sớm cho mẹ và con; hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ sinh ra từ phụ nữ nhiễm HIV; tư vấn cho các bà mẹ đưa trẻ đi xét nghiệm HIV sớm (xét nghiệm PCR) nhằm phát hiện bé bị nhiễm HIV để có hướng điều trị kịp thời...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!