Đồng bộ vào cuộc phòng, chống bệnh lao

Những năm qua, mạng lưới phòng, chống bệnh lao các tuyến trong tỉnh luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, đã phát huy vai trò hiệu quả, kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh lao; trên 90% số bệnh nhân được đưa vào đăng ký quản lý và điều trị trong Chương trình chống lao Quốc gia được điều trị khỏi bệnh.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai) triển khai công tác phòng chống lao đến nhân viên y tế bản trong xã.

Ảnh: Huyền Trăng

 

Ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh Chiến lược phòng chống lao tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Kế hoạch phòng chống bệnh lao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, duy trì hoạt động hiệu quả của mạng lưới chống lao các tuyến trong tỉnh, gồm: Bệnh viện Phổi, quy mô 150 giường bệnh; 16 tổ chống lao tại trung tâm y tế các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa Thảo Nguyên, Trại giam Yên Hạ, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy và 204 nhân viên trạm y tế, các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác này đã triển khai nhiều hoạt động trong chương trình chống lao tại cơ sở, nhất là tuyên truyền nâng cao kiến thức cho cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao; không mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh nhân lao; tăng cường phát hiện các trường hợp mắc bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV...

Hằng năm, đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, nhân viên y tế bản được tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý điều trị, kỹ năng tư vấn, truyền thông về bệnh lao, nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng chống lao tại cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Phổi Sơn La đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương tổ chức 12 lớp tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, quản lý điều trị và dự phòng bệnh lao, hoạt động lao trẻ em và các kỹ thuật chẩn đoán bệnh lao. Bệnh viện Phổi Sơn La có từ 10-14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về lĩnh vực phòng, chống bệnh lao được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ thầy thuốc đảm nhiệm công tác phòng, chống lao của tỉnh được quan tâm đào tạo chuyên sâu về trình độ chuyên môn, nhằm giải quyết tốt các ca bệnh khó, bệnh nặng, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên... Qua thống kê, hằng năm, 17 phòng xét nghiệm lao trong toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm đờm trực tiếp chẩn đoán lao cho từ 5.600-7.500 người, trong đó trung bình từ 26-30 người nghi lao làm xét nghiệm đờm phát hiện được 1 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học (đây là nguồn lây chính cho cộng đồng).

Các đơn vị y tế trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Phổi (đơn vị thường trực về công tác phòng chống lao) triển khai thực hiện quy trình kỹ thuật chuyên môn trong khám, phát hiện, quản lý điều trị lao. Thường xuyên theo dõi, cập nhật những kỹ thuật tiên tiến trong khám, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao để áp dụng vào thực tế phù hợp với điều kiện ở địa phương. Hiện, 95% bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được điều trị khỏi; 92,3% bệnh nhân lao/HIV được điều trị ARV... Đặc biệt, đã triển khai điều trị dự phòng bằng thuốc Rimifone cho bệnh nhân HIV được chẩn đoán không mắc lao.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc phối hợp hoạt động chương trình chống lao giữa các đơn vị y tế tuyến huyện còn hạn chế; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh lao cho người dân không thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ khám, phát hiện bệnh lao chưa cao; các đơn vị tuyến huyện chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát tuyến xã và bệnh nhân lao tại nhà theo quy định của chương trình chống lao quốc gia...

Khắc phục những hạn chế này, năm 2021, Ban Chỉ đạo phòng chống lao tỉnh huy động các tổ chức xã hội và cộng đồng tích cực tham gia công tác phòng, chống lao; ứng dụng các kỹ thuật mới trong phát hiện, chẩn đoán bệnh lao; nâng cao chất lượng dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân, ứng dụng tối ưu các thuốc và phác đồ điều trị mới, hiện hành... Phấn đấu đến năm 2025, giảm số người mắc lao các thể trong cộng đồng còn dưới 27 người/100.000 người dân; tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn dưới 2% trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện...

Nhiệm vụ phòng chống bệnh lao không phải của riêng ngành nào, cấp nào, mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chung tay, góp sức để thực hiện thành công việc thanh toán bệnh lao trên địa bàn tỉnh Sơn La vào năm 2030, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới