Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế tổ chức tại Hà Nội. Người căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu”. Trải qua chặng đường 70 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, ngành Y tế tỉnh Sơn La đã và đang xây dựng mạng lưới cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế ngày một lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Y tế Sơn La, chúng ta càng thấy tự hào của lớp lớp các thế hệ những người thầy thuốc đã cống hiến cho sự nghiệp y tế ở tỉnh miền núi khó khăn. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đời sống nhân dân các dân tộc miền núi Tây Bắc vô cùng khổ cực. Dịch sốt rét đã biến Sơn La thành vùng ma thiêng, nước độc, gây bao nỗi kinh hoàng cho những ai có dịp lên Sơn La. Ngoài dịch bệnh cấp tính, các bệnh xã hội khác như bướu cổ, phong, lao... cũng rất nghiêm trọng.
Sau cách mạng tháng Tám ở Sơn La chỉ với 4 cán bộ y tế, làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất hầu như không có gì. Đến tháng 6/1953, thành lập Đội lưu động, Tổ dịch tễ trực thuộc Văn phòng Ty Y tế. Đến năm 1964, Trạm Vệ sinh dịch tễ Sơn La được thành lập đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh... Trải qua các thời kỳ, ngành Y tế Sơn La luôn đoàn kết, sáng tạo, rèn y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đến nay, hệ thống mạng lưới y tế đã phủ kín toàn tỉnh, với 3 đơn vị quản lý nhà nước về y tế; 4 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh; 19 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; 1 bệnh viện đa khoa tư nhân; 12 trung tâm y tế huyện, thành phố và 204 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Toàn ngành có hơn 5.422 cán bộ công chức, viên chức, trong đó: 1.178 bác sĩ; 168 dược sĩ đại học; 39 bác sĩ chuyên khoa II; 435 BSCK I; 199 thạc sĩ. 182 trạm y tế có bác sĩ; 92,39% số bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Tỷ lệ bác sĩ đạt 8,85 bác sĩ/10.000 dân; 30,8 giường bệnh/10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,6%.
Công tác khám bệnh, chữa bệnh và điều trị cho người dân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả. Hàng năm, có gần 1,3 triệu lượt bệnh nhân được khám chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện tuyến Trung ương, nay đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến. Công tác đào tạo cho nhân viên ngành y tế được quan tâm, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến.

Tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có bước chuyển biến tích cực, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tại các trạm y tế xã cơ bản thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhiều cơ sở y tế được cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ như phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối chẩn đoán bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh với các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương.
Sở Y tế tỉnh Sơn La đã phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo trong toàn ngành, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nổi bật là phát động phong trào “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các đơn vị y tế trong tỉnh đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch, đến đầu năm 2023, tỉnh Sơn La đã kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19.

Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước” giai đoạn 2021 - 2025 và phong trào “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La” giai đoạn 2021-2025 được chú trọng triển khai. Các sáng kiến như đăng ký thuế, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật tiêm chủng, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và khám chữa bệnh từ xa đã được ứng dụng hiệu quả. Nhất là Đề án “Bệnh viện thông minh” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai đã giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, “Không hút thuốc lá tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh” được đẩy mạnh. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã xây dựng không gian làm việc xanh, sạch, thoáng mát, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan và thực hiện phân loại, xử lý rác thải y tế đúng chuẩn, đồng thời tạo môi trường điều trị an toàn, thân thiện cho người bệnh.

Ảnh: PV
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2025-2030, ngành Y tế Sơn La đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, như sau:
Một là, phát triển mạng lưới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện. Phát triển các bệnh viện tư nhân cung ứng các dịch vụ chất lượng cao.
Hai là, nâng cấp Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Ba là, nâng cấp mở rộng quy mô và hiện đại trang thiết bị y tế để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đảm nhận chức năng vùng, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong vùng, đảm nhận vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm họa. Mở rộng quy mô diện tích, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu thành Bệnh viện Đa khoa khu vực hạng I cấp tỉnh
Bốn là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô 9 cơ sở bệnh viện tuyến tỉnh; duy trì 11 bệnh viện đa khoa huyện (hạng II) hiện có; quy hoạch mới Bệnh viện đa khoa thành phố Sơn La là bệnh viện hạng II (quy mô 150 giường). Duy trì, nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm Y tế cấp huyện; cải tạo, nâng cấp các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Năm là, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y để đáp ứng các yêu cầu về giám định. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản; đáp ứng nhu cầu chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.

Sáu là, phấn đấu đến năm 2030 số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,5 bác sĩ; số giường bệnh/10.000 dân đạt 32 giường; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 96,35% dân số trở lên; số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 96,5%.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Y tế Sơn La tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy hiệu quả; nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế; đẩy mạnh chuyển đổi số; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn để phát triển toàn diện, xứng đáng với vị thế mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!