Nói về việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã là lực lượng chủ yếu trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về công tác y tế, nhất là biết cách phòng chống dịch bệnh từ những việc nhỏ trong đời sống hằng ngày. Sự nỗ lực của họ trong chuyên môn đã góp phần giúp người dân được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu và giảm tải cho y tế tuyến trên.
Bác sỹ Trạm Y tế xã Ngọc Chiến (Mường La) khám bệnh cho nhân dân.
Câu chuyện của chúng tôi được tiếp tục về việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở y tế tuyến xã. Hiện nay, toàn tỉnh có 204/204 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, với 1.392 cán bộ, nhân viên y tế. Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa bàn. Trong đó, quan tâm đào tạo nguồn lực tại chỗ, đào tạo bác sỹ theo địa chỉ đối với con em đồng bào vùng sâu, vùng xa; thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ để khuyến khích, động viên cán bộ y tế xã tự học tập và tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đó, duy trì hiệu quả chế độ luân phiên có thời hạn đối với đội ngũ thầy thuốc về tuyến y tế xã, điều động bác sỹ về trạm y tế các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng biên giới thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân và hướng dẫn trực tiếp chuyên môn cho cán bộ y tế của trạm. Thực tế cho thấy, từ việc hỗ trợ chuyên môn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” này đã góp phần giúp y tế tuyến xã triển khai được một số kỹ thuật y học, như: Kỹ thuật siêu âm, điện tim, điện châm hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy... Điều mừng là, thực hiện hình thức luân phiên, cán bộ được điều động đã phát huy khả năng chuyên môn, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế của trạm và giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến trên có nhiệm vụ nhận cán bộ y tế tuyến dưới luân phiên học tập tại đơn vị, giúp đội ngũ này tiếp cận một số kiến thức, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ở cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo việc khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của các trạm y tế. Thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị đúng quy định, sửa chữa, bổ sung kịp thời các trang thiết bị y tế đã hư hỏng. Đồng thời, tham mưu với UBND các huyện, Thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp và tu sửa trạm y tế bằng nguồn ngân sách của địa phương; vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng trạm y tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn tỉnh có 92 trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng nhà kiên cố hai tầng, còn lại 112 trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư sửa chữa nâng cấp, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo đồng chí Giám đốc Sở Y tế, nhìn chung trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Họ đã kịp thời xử trí ban đầu các trường hợp bệnh nhân đến khám tại trạm y tế; xử trí đúng các tai biến sản khoa và các triệu chứng bất thường khác của sản phụ mang thai; chuyển tuyến trên kịp thời những ca bệnh ngoài khả năng chuyên môn của trạm y tế. Đặc biệt là, triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm tại địa phương; giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh kịp thời; tích cực triển khai các hoạt động xử lý dịch, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn xã; thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao về y tế dự phòng... Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có vụ dịch lớn xảy ra. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia triển khai hiệu quả, có tính bền vững, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS còn sống/dân số giảm còn 0,37%. Các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm A/H5N1, dịch dại, tay chân miệng, hội chứng não/màng não... được giám sát, phòng chống và kiểm soát kịp thời. Tiếp tục duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt trẻ em, bướu cổ, loại trừ bệnh phong, uốn ván sơ sinh; gần 95% trẻ em trong độ tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 145 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Cũng câu chuyện về chăm sóc sức khỏe nhân dân ở y tế tuyến xã, anh Lò Văn Sinh, Phó Trưởng Khoa Khám Bệnh - Xét nghiệm - Dược (Trung tâm Y tế Quỳnh Nhai) chia sẻ: Trạm y tế các xã trong huyện đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân ở cơ sở. Bà con ở vùng sâu, vùng xa tin tưởng và làm theo các hướng dẫn của đội ngũ nhân viên y tế về ăn ở hợp vệ sinh để phòng dịch bệnh; khi ốm đau đến cơ sở y tế khám và điều trị; đưa con, em trong độ tuổi đi tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh...Đội ngũ nhân viên y tế xã đã làm tốt vai trò vừa là thầy thuốc vừa là tuyên truyền viên y tế ở cơ sở.
Dù trình độ chuyên môn còn hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên tuyến y tế xã đã tận tâm, làm tròn trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà khi tết đến, xuân về.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!