Chiến dịch góp phần thay đổi hành vi dân số

Hằng năm, chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”, được tổ chức tại các xã vùng sâu, vùng xa, là một trong những hoạt động góp phần nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi dân số của người dân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.

 

 

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai.

 

Để triển khai chiến dịch, hằng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị thuốc thiết yếu, vật tư, trang thiết bị cho gói dịch vụ KHHGĐ tại chiến dịch, đáp ứng nhu cầu của người dân; cung cấp các ấn phẩm có nội dung tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ như tờ rơi, tờ lật... Cùng cấp ủy, chính quyền các xã triển khai chiến dịch, tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; tuyên truyền cho nhân dân trong xã hiểu rõ lợi ích gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ (CSSKSS/KHHGĐ). Trung tâm y tế các huyện, chỉ đạo cán bộ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số các bản rà soát, lập danh sách đối tượng được cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, như: Hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; bố trí địa điểm, thời gian hợp lý, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng triển khai chiến dịch tích cực tham gia hưởng ứng...

 

Điều mừng là, chiến dịch được tổ chức hằng năm, đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi triển khai chiến dịch; sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn liên quan trong việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ chiến dịch, đáp ứng kỹ thuật dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho người dân. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế bản đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tham gia hưởng ứng chiến dịch. Vì vậy, trong các đợt chiến dịch đã có hàng chục nghìn lượt cặp vợ chồng mới áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và hàng nghìn lượt người được điều trị các bệnh đường sinh sản. Riêng năm 2019, chiến dịch đã được tổ chức tại 100 xã của 11/12 huyện trong tỉnh. Trong chiến dịch, Sở Y tế đã huy động 50 lượt đội kỹ thuật lưu động, với 347 cán bộ y tế tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên các địa bàn triển khai chiến dịch. Tổ chức căng treo 200 pa nô, khẩu hiệu; trên 500 tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 300 buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS/KHHGĐ cho người dân tham gia chiến dịch. Trong đó, hướng dẫn việc lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp; cách chăm sóc sức khỏe sinh sản; không phân biệt giới tính thai nhi; không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống... Đã có trên 19.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, như: Triệt sản; sử dụng bao cao su; đặt vòng, tiêm thuốc, uống thuốc tránh thai; 2.772 phụ nữ được điều trị viêm đường sinh sản.

 

Theo kế hoạch, năm nay, chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” sẽ được triển khai tại 112 xã thuộc 11 huyện, với mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tác động tới người dân để chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống... Phấn đấu trong đợt chiến dịch có gần 37.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện lần đầu các biện pháp tránh thai hiện đại.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới