Cảnh giác nguy cơ ngộ độc từ nấm tự nhiên

Thời điểm này thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện cho các loại nấm phát triển. Nấm mọc tự nhiên được người dân hái vừa đem ra chợ để bán, vừa nấu ăn trong gia đình. Tuy nhiên, có một số loại nấm khi ăn sẽ gây ngộ độc, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thói quen ăn nấm mọc tự nhiên của người dân vẫn chưa được hạn chế, đã có nhiều vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc xảy ra, hậu quả thật đáng buồn.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tuyên truyền người dân không nên hái nấm rừng, nấm lạ về sử dụng.

 

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 30 vụ ngộ độc nấm (chiếm 34% số vụ ngộ độc thực phẩm), trong đó 3 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc nấm tự nhiên thường xảy ra cao điểm là vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8. Phần lớn các ca ngộ độc nấm xảy ra tại bếp ăn gia đình hoặc lán nương. Các loại nấm trong tự nhiên đa dạng về hình dáng, kích thước và màu sắc, dễ gây nhầm lẫn, người dân không nhận dạng được nấm độc và nấm không độc, nên đã hái về sử dụng.

Tại các chợ 7/11 và chợ 308, Thành phố, các sạp hàng thực phẩm rau xanh có bán một số loại nấm, như nấm kim châm, sò, đùi gà, hải sản... Bà Quàng Thị Dom, bản Là, phường Chiềng Cơi, bán hàng tại chợ 7/11, cho biết: Tôi nhập các loại nấm từ các chợ đầu mối trong Thành phố về bán. Ngoài ra, còn mua một số nấm không có độc do người dân hái từ rừng về để bán, như nấm mối dài, ngắn. Giá bán nấm rừng thường từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg.

Theo kinh nghiệm của người dân, nấm rừng có độc, côn trùng sẽ không ăn. Dựa trên cách nhận biết này, nhiều người đã hái nấm từ rừng về ăn và đã có trường hợp ngộ độc. Anh Tặng Văn Vinh, bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, là trường hợp từng bị ngộ độc từ nấm. Anh Vinh cho biết: Năm 2020, hai vợ chồng tôi đi làm nương và hái nấm trong rừng về ăn, sau đó khoảng 2 giờ, bắt đầu có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy kèm hoa mắt, chóng mặt. Do được đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, nên sau 2 ngày sức khỏe đã bình phục. Từ lần bị ngộ độc đó, tôi cẩn trọng và cảnh giác hơn khi lựa chọn các loại nấm để chế biến thức ăn, chỉ sử dụng những loại nấm khi biết chắc chắn là nấm ăn được và nhắc nhở người thân, bạn bè khi đi rừng không nên hái các loại nấm lạ về nấu ăn để tránh bị ngộ độc.

Huyện Yên Châu từng xảy ra một số ca vụ ngộ độc nấm, trong đó có trường hợp tử vong. Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc từ nấm tự nhiên, Trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông tới người dân về cách phòng, chống ngộ độc nấm; các biểu hiện, dấu hiệu ngộ độc để tự phát hiện và đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ăn nấm rừng để tránh bị ngộ độc.

Ông Mai Thanh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Hàng năm, Chi cục đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức của người dân về việc lựa chọn và sử dụng các loại nấm. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố rà soát, kiện toàn các tổ điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm, nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời khi có vụ ngộ độc xảy ra. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, các thành viên ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã...

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 1.000 buổi nói chuyện cho trên 6.000 lượt người; tổ chức 17 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề đảm bảo ATTP, với gần 450 người tham gia; cung cấp gần 1.000 đĩa DVD truyền thông cho các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn... Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc từ nấm. Tuy nhiên, để tránh bị ngộ độc nấm, người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới