Bảo đảm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, 3 ngày gần đây (8-10/3), số ca dương tính với SARS-CoV-2 đều suýt soát 5.000 ca. Điều đó đòi hỏi phải bảo đảm các trang thiết bị, vật tư y tế để điều trị bệnh nhân F0. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế về lĩnh vực này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                

Người dân mua thuốc tại quầy thuốc Thanh Thanh, tổ 5, phường Chiềng Lề, Thành phố.       

Ảnh Trường Sơn

PV: Thực tế các trang thiết bị y tế hiện nay có bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh không, thưa ông?

           

Ông Trần Trọng Hải: Để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phải có trang thiết bị xét nghiệm và trang thiết bị điều trị. Về trang thiết bị xét nghiệm, toàn tỉnh hiện có 7 hệ thống xét nghiệm PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện: Đa khoa tỉnh; đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu; đa khoa huyện Phù Yên; đa khoa Cuộc Sống; đa khoa Mộc Châu; đa khoa huyện Sông Mã. Trong đó, 3 đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định là Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên. Về cơ bản, trang thiết bị xét nghiệm đảm bảo yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trong toàn tỉnh.

           

Về trang thiết bị điều trị của các cơ sở y tế, cơ bản chỉ đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường. Để điều trị bệnh nhân Covid-19 phải thành lập các cơ sở thu dung, điều trị riêng, với trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định tại Quyết định số 2626/QĐ-BYT. Do vậy, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhu cầu về trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tăng cao đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số địa bàn trong tỉnh, số lượng trang thiết bị y tế hiện có chưa đáp ứng được công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

           

PV: Xin ông cho biết, ngành Y tế tỉnh đã có những giải pháp nào để bảo đảm số lượng, chất lượng trang thiết bị y tế, đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay? 

           

Ông Trần Trọng Hải: Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát nhu cầu trang thiết bị theo định mức quy định của Bộ Y tế, chủ động mua sắm, đáp ứng nhu cầu tại chỗ bằng nguồn thu sự nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị, phát huy tối đa nguồn lực hiện có đảm bảo kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Thực hiện điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị, giải quyết nhu cầu cấp bách, cục bộ tại các địa phương bùng phát dịch. Đồng thời, đề xuất với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ; kêu gọi vận động sự ủng hộ của nhân dân, các tổ chức xã hội.

           

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp ban hành một số tờ trình đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã nhận hỗ trợ từ Bộ Y tế 62 chiếc máy thở; 1 hệ thống xét nghiệm PCR; 1 xe tiêm chủng; 76.000 test nhanh; 2.820 chiếc khẩu trang N95; 500.000 chiếc khẩu trang y tế; 1.229 bộ quần áo phòng chống dịch và cơ số thuốc điều trị covid-19. Hiện, Sở đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân..

           

Ngoài ra, còn nhận được sự chung tay đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, gồm: 1 hệ thống máy xét nghiệm PCR và máy tách chiết do Tạp chí Cộng sản hỗ trợ; 10 xe cứu thương do các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong tỉnh hỗ trợ; 10.000 test xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Meditronic; 100.000 test xét nghiệm Covid-19 do Tập đoàn Sungroup hỗ trợ; 87.500 khẩu trang FFP2 do Tập đoàn RAAS Group tài trợ…

           

Với thực trạng trang thiết bị y tế còn rất thiếu cả về số lượng và chất lượng, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế của các đơn vị trực thuộc, quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí mua sắm một số trang thiết bị y tế thiết yếu, tối thiểu để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân phù hợp với điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn của địa phương.

           

PV: Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi mua thuốc tự điều trị Covid-19 và bộ xét nghiệm SARS-CoV-2?

           

Ông Trần Trọng Hải: Hiện nay trên thị trường, đặc biệt là quảng cáo trên các trang mạng xã hội, thuốc điều trị Covid-19 có rất nhiều loại, như: Thuốc tân dược, chế phẩm y học cổ truyền, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ… Người dân rất dễ mua thuốc theo cảm tính, theo quảng cáo, theo kinh nghiệm, hoặc chỉ dẫn của người khác. Nhiều loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ, không rõ thành phần và tác dụng… Việc sử dụng thuốc như vậy sẽ không biết có tác dụng điều trị hay không mà còn có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.

           

Để sử dụng thuốc điều trị Covid-19 an toàn, hiệu quả, người dân cần mua và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Đối với các thuốc nâng cao thể trạng của cơ thể, các dung dịch sát khuẩn, súc họng, miệng, các thuốc điều trị triệu chứng như sốt, ho, cảm cúm nên lựa chọn các sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam).      

Đối với việc mua thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 (thuốc Molnupiravir) cần có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do các tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Khi đi mua thuốc, người bệnh phải có giấy xác nhận mắc Covid-19 và có đơn kê của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc; chỉ mua các thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam). Khi mua thuốc cần xem xét kỹ giá niêm yết của cơ sở kinh doanh thuốc, có thể tham khảo giá thuốc kê khai trên các trang thông tin chính thức của Bộ Y tế.  

Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần lưu ý: Đối tượng sử dụng là bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng; không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

           

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời. Trong quá trình điều trị cần nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, vận động hợp lý, giữ tinh thần lạc quan, chiến thắng bệnh tật.

           

Người dân chỉ mua và sử dụng các loại test nhanh xét nghiệm Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, Giấy phép nhập khẩu, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được Bộ Y tế công bố theo quy định) tại các cơ sở công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại B, C, D được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Không mua và sử dụng các loại test nhanh xét nghiệm Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được rao bán trên mạng xã hội, gây tốn kém, lãng phí.

           

 Khi thực hiện tự test nhanh xét nghiệm Covid-19, người dân cần thực hiện các bước theo hướng dẫn kèm theo sản phẩm, đặc biệt lưu ý kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm (nếu lấy mẫu không đúng kỹ thuật sẽ cho kết quả xét nghiệm không đúng). Nên thực hiện tự xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

           

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

           

Hồng Luận (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới