Vấn nạn tảo hôn ở Mường Lạn

Mường Lạn là xã biên giới còn gặp nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, trong đó vấn nạn tảo hôn đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều em đang độ tuổi học trò nhưng đã phải oằn mình với gánh nặng gia đình. Điều đáng buồn là những ông bố, bà mẹ tuổi vị thành niên này dường như không nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật. Gia đình của họ cũng chẳng ai quan tâm, khi chỉ nghĩ, con cái kết hôn sớm để có thêm người lao động.

Hạng A N đang làm thủ tục giấy khai sinh cho con.

Nỗi lo có thật

Hạng A N, ở bản Huổi Pá, năm nay mới 19 tuổi mà đã có 2 con, đứa đầu 3 tuổi, đứa sau tròn 1 tuổi. Khi được hỏi, N hồn nhiên: Cháu đang học lớp 10 thì lấy vợ, vợ cháu năm nay 17 tuổi nhưng chưa đi học bao giờ. Lấy được vợ là phải “bắt” đấy, lấy sớm để có người làm nương mà! Đứa bé bị ốm, nhà lại thuộc diện cực nghèo nên N chẳng có đồng nào để đưa con đi khám. Có người mách đưa con đến bệnh viện sẽ được khám, chữa bệnh miễn phí nếu có thẻ bảo hiểm y tế, N đến UBND xã làm thủ tục để được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Song, cán bộ xã không thể làm thẻ vì vợ chồng N không có giấy kết hôn, đương nhiên hai đứa con cũng chẳng có giấy khai sinh. Vì lo không đủ giấy tờ, thủ tục, đứa trẻ không được điều trị kịp thời, cán bộ xã nghĩ mãi mới ra cách làm giấy khai sinh cho đứa bé là chỉ có mẹ đứng tên mà không có bố. Tưởng đã xuôi, thì N bất ngờ phản ứng, bởi theo phong tục người Mông, con cái không mang họ của bố thì không được làm “con ma” nhà mình. Vậy là cán bộ xã lại phải thuyết phục N rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, sau này vợ chồng N làm đăng ký kết hôn sẽ làm lại toàn bộ giấy khai sinh cho cháu bé.

Còn nhớ năm 2016, cũng ở bản Huổi Pá, có cháu Hạng A C đang ở tuổi vị thành niên, trong một lần đi ăn cưới, gặp một bạn gái đi nương về, C liền rủ các bạn “bắt” về làm vợ, nhưng bạn gái không chịu, cứ ôm chặt gốc cây không chịu vào nhà. C đốt một đống lửa to bên cạnh và ngồi trông liền 3 ngày, 3 đêm. Lợi dụng lúc không ai để ý, cô gái trốn về với gia đình. Buồn quá, C vào rừng ăn lá ngón tự tử. Tìm hiểu vấn đề này ở Trường PTDT nội trú THCS Mường Lạn, chúng tôi được biết từ năm học 2015-2016 đến nay có 8 học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, các em chỉ từ 13-17 tuổi. Việc động viên các cháu đã kết hôn chú tâm học hành rất khó khăn bởi các cháu thường bỏ học, bê trễ bài vở.

Bà Lường Thị Thích, Phó Chủ tịch UBND xã, băn khoăn: Xã có 16 bản, thì có 9 bản của đồng bào Mông, tỷ lệ tảo hôn cao hầu hết ở những bản này. Công tác tuyên truyền, vận động không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống khó khăn lắm, cho dù cán bộ đã đến từng nhà, thậm chí lên tận lán nương của họ để tuyên truyền. Ở đây, nhiều trường hợp học sinh vừa vào cấp 3 đã nghỉ học để lập gia đình, giáo viên phải đến tận nhà vận động mà phần lớn các cháu không chịu ra lớp. Thậm chí có học sinh vừa vào học lớp 7 đã nghỉ lấy chồng ở tuổi 12. Nguy hiểm hơn, có cháu đòi lấy vợ, bố mẹ không đồng ý thì trốn vào rừng, dọa ăn lá ngón tự tử.

Sợ con không mang họ bố thì không được nhập ma như trường hợp của N, hay cái chết của C, rồi việc dọa ăn lá ngón nếu không được lấy vợ sớm... đang là nỗi lo có thật, đang hiện hữu trong đồng bào ở Mường Lạn.

Những khó khăn thách thức

Ông Quàng Văn Cán, cán bộ tư pháp xã, thống kê: Từ đầu năm đến nay, đã xử phạt 10 cặp tảo hôn, số tiền phạt chỉ ở mức 750 nghìn đồng/cặp. Trong khi đó vẫn còn 19 cặp chưa xử phạt. Đây mới là con số xã nắm được, còn có thể có nhiều cặp nữa xã chưa phát hiện ra do đi làm nương hoặc làm ăn xa. 100% số cặp tảo hôn này không đăng ký kết hôn, những cặp tảo hôn phát hiện và xử phạt được là do họ đến làm giấy khai sinh cho con. Xã thường xuyên phối hợp với y tế xã, công an, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không mấy hiệu quả; thậm chí đã gửi công văn về bản để thống kê danh sách tảo hôn nhưng không bản nào thực hiện.

Ở đây có nhiều cặp tảo hôn cố tình đợi đủ tuổi hoặc để con cái lớn lên mới đi đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh. Nhiều trường hợp có con học lớp 3, lớp 4 rồi bố mẹ mới đi đăng ký kết hôn. Tảo hôn nhiều nhất là bản Pu Hao, có tới 8 cặp (trong số đã bị xử lý), chủ yếu là học sinh THCS. Cứ vào dịp Tết, các cháu lại đi “bắt” vợ kéo về nhà. Cũng theo ông Cán, khó giảm tỷ lệ tảo hôn, do người dân không chú ý tới con cái, chỉ khi chúng bị ốm mới đi làm giấy khai sinh để được hưởng các quyền lợi. Với những trường hợp như vậy, cán bộ tư pháp xã giải quyết nhanh để cho trẻ đi khám, bố mẹ không có giấy kết hôn nên không thể làm đúng thủ tục được. Thêm nữa, phần lớn những cặp vi phạm đều trong diện hộ nghèo, nên khi xử phạt họ không có tiền nộp; có trường hợp vì đã ra quyết định xử phạt, cán bộ xã đành bỏ tiền túi ra nộp; nhiều người hứa khi có tiền sẽ trả, nhưng quả thật chẳng biết đến khi nào mới thu lại được?

Làm việc với Trung tâm Y tế xã, chúng tôi được bà Lò Thị Thương, phụ trách công tác dân số cung cấp thêm danh sách 13 cặp tảo hôn (5 cặp ở bản Pu Hao) trong 8 tháng năm 2018, các cháu chủ yếu sinh những năm 2001-2004. Khi kiểm tra thì 13 cặp này chưa có trong danh sách của bộ phận tư pháp xã. Theo bà Thương, khoảng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ tảo hôn tăng nhanh, cho dù năm nào Trạm cũng phối hợp tuyên truyền ở từng bản. Theo báo cáo của Phòng dân số, truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp), từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 49 cặp ở cả 8 xã, cao nhất là xã Sam Kha với 13 cặp, xã Mường Lạn 10 cặp. Như vậy, con số trong báo cáo chênh lệch rất lớn so với con số chúng tôi tìm hiểu và nắm được ở xã. Rõ ràng, công tác kiểm tra, thống kê tình trạng tảo hôn từ huyện đến cơ sở đang còn nhiều bất cập.

Tình trạng tảo hôn ở Mường Lạn đang có chiều hướng gia tăng; xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như xử lý vi phạm. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Sốp Cộp cần vào cuộc quyết liệt, hơn nữa, có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, tránh những hệ lụy đáng tiếc của vấn nạn tảo hôn.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới