Từ nguồn vốn các chương trình, dự án, những năm qua, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) đã được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Người dân bản Kéo, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) kiểm tra công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hiện nay, xã Púng Bánh có 16 bản của đồng bào dân tộc Thái và Mông. Trước đây, bà con thường sử dụng nước từ các khe, huổi, mó nước hoặc suối Nậm Lạnh, không đảm bảo vệ sinh. Được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 2 công trình đang xây dựng ở bản Púng, bản Bánh, 3 công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng ở các bản Phải, Kéo, Liềng.
Để triển khai chương trình cấp nước sinh hoạt, xã Púng Bánh chủ động rà soát nhu cầu, lấy ý kiến nhân dân về chất lượng, vị trí nguồn nước, tham mưu với UBND huyện lập dự án; đôn đốc và kiểm tra tiến độ xây dựng công trình; bàn giao cho các bản quản lý và sử dụng. Đồng thời, họp dân xây dựng các mô hình tự quản, có quy ước, hương ước chung về việc bảo vệ, giữ gìn tài sản và vệ sinh các công trình cấp nước; lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước tại các cuộc họp, hội nghị ở bản.
Công trình nước sạch ở bản Kéo được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình 30a từ năm 2017, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 110 hộ dân. Công trình trị giá hơn 4 tỷ đồng gồm các hạng mục 1 bể lọc 3 ngăn, 1 bể điều hòa 30 m3 và đường ống dẫn nước đến từng hộ dân. Cùng chúng tôi tới bể chứa phân phối nước đặt giữa lưng chừng đồi, cách mó nước trước đây người dân vẫn sử dụng khoảng 3km, Trưởng bản Quàng Văn Thưởng cho hay: Để sử dụng công trình nước sinh hoạt hiệu quả, bản thành lập tổ quản lý và bảo vệ công trình gồm 7 thành viên có trách nhiệm kiểm tra nguồn nước định kỳ hàng tháng, tuyên truyền người dân sử dụng và bảo vệ công trình, không vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chăn dắt gia súc trên khu vực đầu nguồn nước, bể chứa; khi công trình cấp nước xảy ra hỏng hóc sẽ họp dân bàn phương án xử lý, sửa chữa; định kỳ theo quý, bản huy động nhân dân dọn vệ sinh khu đầu nguồn nước, nạo vét bùn đất tại các bể chứa, bể lọc...
Ông Quàng Văn Thái, già làng bản Kéo, cho biết: Từ khi được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt, chúng tôi được dùng nước hợp vệ sinh, không lo bị mắc các bệnh đường ruột và bệnh ngoài da nữa. Gia đình tôi xây bể chứa có nắp đậy, mua 1 téc chứa nước để sử dụng cho sinh hoạt. Dù là được dùng nước miễn phí nhưng tôi luôn nhắc nhở con cháu trong nhà là phải tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, đường ống dẫn nước của bản.
Hiện, xã Púng Bánh đang khảo sát, đề nghị UBND huyện lập dự án đầu tư xây dựng thêm 2 công trình nước sinh hoạt tại bản Phá Thóng và Nà Liền, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018-2020.
Các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở xã Púng Bánh được xây dựng, đưa vào hoạt động có hiệu quả, vừa nâng cao sức khỏe cho nhân dân, vừa góp phần xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!