Tết của Cha Pó

Thấm thoắt đã 3 năm trôi qua, cái tết thứ 4 đang đến rất gần với Thào Cha Pó, cậu “con nuôi” của những chiến sỹ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Mường Lạn. Năm nay sẽ là năm đặc biệt với cậu, bởi Cha Pó sắp phải rời ngôi nhà thứ hai để bước vào bậc học mới.

Thào Cha Pó tham gia gói bánh chưng cùng bộ đội.

Thào Cha Pó sinh ra ở bản vùng cao Nậm Lạn, xã Mường Lạn (Sốp Cộp), năm nay đang học lớp 9 Trường PTDT bán trú THCS Mường Lạn. Nhà Pó nghèo lắm, chẳng có gì giá trị, hằng ngày còn chưa đủ ăn chứ đừng nói gì tới Tết. Thì ra, bố của Pó đang phải thi hành án tại trại tạm giam, chỉ còn một mình mẹ chăm sóc 4 anh em Pó. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình Pó vừa đông con lại trong diện nghèo, năm 2016, Đồn trưởng ngày đó là Trung tá Phạm Thái Hòa đã bàn bạc với chỉ huy đơn vị nhận Pó về nuôi ăn học tại Đồn. Theo anh, nhận các cháu hoàn cảnh khó khăn về nuôi vừa giúp các cháu xóa bỏ tự ti, mặc cảm về gia đình, vừa tự giác vươn lên hòa nhập cộng đồng. Sau đó một năm, đơn vị tiếp tục đón em gái Pó là Thào Thị Dâu về nuôi. Ngày đầu nhận các cháu về, anh em trong đơn vị gặp không ít khó khăn bởi Pó và em gái gầy lắm, chưa xa nhà bao giờ, cứ khóc đòi về. Cán bộ, chiến sỹ trong Đồn thay nhau chăm sóc, dạy dỗ các cháu từ vệ sinh cá nhân, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống, đến kèm cặp học hành, hướng dẫn cách tăng gia sản xuất...

Trong giá lạnh của vùng cao biên giới, Cha Pó vừa thoăn thoắt chuẩn bị lá dong, gạo, thịt để gói bánh chưng, vừa kể cho chúng tôi về cái Tết xa nhà đầu tiên. Năm 2016 là năm đầu tiên cháu xa nhà và ăn Tết cùng các chú bộ đội. Lần đầu được ăn bánh chưng thấy ngon quá, ở nhà không có đâu. Từ khi ở với bộ đội thì được nhiều thứ lắm, có sách vở mới, bánh kẹo, hoa quả, quần áo, giầy dép, cháu còn được dạy cách gói bánh chưng đấy. Em gái cháu cũng biết gói rồi, Tết năm ngoái cháu dạy em gói mà! Ăn Tết ở đây vui hơn ở nhà, lại có nhiều trò chơi nữa, trên bản chẳng có bao giờ. Tết năm nào các chú bộ đội cũng sắm quần áo mới cho cháu, gửi quà về nhà cháu đấy, mẹ cháu chắc đỡ buồn nhiều. Năm nay cháu sẽ mang nhiều điểm 10 về, gói thêm bánh chưng mang về nữa.

Dẫn chúng tôi lên thăm gia đình Cha Pó, vượt chặng đường rừng gần 20 km vắt vẻo lưng chừng núi, Trung tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn, bảo: Chúng tôi lựa chọn các cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nuôi ăn học. Tất cả có 5 cháu thì 2 cháu lớn đã học Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT huyện Sốp Cộp. Đón các cháu về Đồn, anh em trong đơn vị thay nhau hướng dẫn cặn kẽ cách làm bài tập, sáng dậy sớm tập thể dục cùng các chú bộ đội. Thời gian đầu, ăn ngủ theo giờ giấc quân đội, các cháu thấy khó lắm, nhưng giờ quen rồi. Được cái, tối nào Pó cũng tự giác bảo ban em học hành. Thấy Cha Pó cùng em gái từng bước trưởng thành, anh em trong Đồn ai cũng vui.

Gia đình Pó có 4 anh em, anh cả thì đang học lớp 8, đứa em út đang học lớp 3 ở trung tâm xã. Nhà xa nên chẳng mấy khi anh em Cha Pó về nhà, chỉ khi nào có việc mới nhờ các chú bộ đội đưa về. Chị Giàng Thị Pạ Dê, mẹ Pó bảo: Giáp Tết, cứ ngóng ra con đường mòn bên kia dãy núi xem thằng Pó và em nó có về không? Từ ngày được bộ đội nuôi ăn học, nó ngoan nhiều, Tết năm nào cũng được bộ đội đưa về thăm nhà. Cũng nhờ bộ đội chăm sóc, mình không phải lo cho Pó và em gái nó. Vui lắm vì năm nào hai đứa cũng được học sinh tiên tiến, được điểm cao. Bộ đội tốt lắm, còn cho thằng Pó tham gia Học kỳ quân đội nữa, cặp sách, vở viết, sách giáo khoa đều do bộ đội cho đấy!

Qua tiếp xúc, chúng tôi thật ấn tượng về chữ viết rất đẹp, sách vở gọn gàng và nhất là khả năng nói chuyện lưu loát của Cha Pó, bất cứ lúc nào gặp bộ đội trong đơn vị hoặc là khách đến thăm, Pó đều lễ phép chào hỏi. Khi được hỏi quý mến ai nhất ở trong Đồn biên phòng, Pó nói ngay: Chú nào cháu cũng quý vì các chú là người nhà mà. Mỗi khi chúng cháu mệt, các chú bộ đội chăm sóc kỹ lắm, cho thuốc uống đầy đủ. Học hành thì được kèm cặp cẩn thận, cháu được đi thi học sinh giỏi cấp huyện đấy. Điểm 10, điểm 9 chưa nhiều nên cháu sẽ cố gắng hơn!

Thế là đã 4 cái Tết xa nhà. Cậu bé Cha Pó ngô nghê, gầy còm ngày nào nay đã phổng phao, học hành chăm chỉ, ăn nói lễ phép. Công của các chú bộ đội cả. Cuộc đời Cha Pó sắp bước sang trang mới đầy hứa hẹn, Pó mong muốn sau này được tiếp bước các chiến sỹ biên phòng để bảo vệ đất nước. Mong cho nguyện ước của em sớm trở thành hiện thực.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới