Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới, được hưởng Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm qua, công tác dân tộc được huyện đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường đoàn kết các dân tộc...
Nhân dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp)
ứng dụng KHKT trong trồng chanh leo cho thu nhập ổn định.
Xác định thực hiện chính sách dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, Sốp Cộp luôn quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã tổ chức 151 đợt tuyên truyền pháp luật cho 4.352 lượt người tham gia; đăng tải trên hệ thống thông tin, truyền thông huyện nêu gương các tập thể, gia đình, cá nhân thực hiện tốt công tác dân tộc và phát triển kinh tế hiệu quả; mở rộng chương trình truyền thanh đến các bản, xã đặc biệt khó khăn, toàn huyện hiện có 38 trạm BTS, 6/8 xã có mạng internet, 100% xã phủ sóng phát thanh và truyền hình, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sốp Cộp đã lồng ghép, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng chí Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Từ các nguồn vốn đầu tư như Chương trình 135, 30a, nông thôn mới, ngân sách thu trên địa bàn và nhân dân đóng góp (giai đoạn 2014 - 2019), huyện đã đầu tư xây dựng 11 công trình đường giao thông, 7 công trình điện, 31 công trình thuỷ lợi, 13 công trình nước sinh hoạt, 8 công trình nhà lớp học, 22 công trình nhà văn hoá xã, bản, một bệnh viện và 5 trạm y tế xã; thực hiện duy tu bảo dưỡng 112 công trình cơ sở hạ tầng thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% số xã đã có đường giao thông đến trung tâm; 75% bản có đường giao thông đến bản và liên bản được cứng hóa; 87,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời với kinh phí hỗ trợ trên 58 tỷ đồng, với 8.049 lượt hộ và 104.374 lượt người thụ hưởng bằng kinh phí từ nhiều chương trình, chính sách, dự án khác nhau. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của huyện đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã khuyến khích các hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ hỗ trợ của nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 36,17%. Ngoài ra, huyện đã chú trọng ưu tiên các nguồn vốn triển khai thực hiện 24 dự án, mô hình trồng cây ăn quả các loại như cam, quýt, bưởi, chanh leo, mô hình chăn nuôi đại gia súc và hỗ trợ khai hoang phục hoá... tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng, cho 4.107 lượt hộ thụ hưởng. Tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng dân cư với trên 1.500 lượt người tham gia, tổng kinh phí thực hiện 423 triệu đồng; mở 24 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 808 người tham gia, kinh phí thực hiện gần 2,4 tỷ đồng, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với khoa công kỹ thuật và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Có thể khẳng định, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sốp Cộp trong thời gian qua được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước. Qua đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã có niềm tin sâu sắc với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công cuộc đổi mới; đồng bào các dân tộc trong huyện đã có những thay đổi căn bản về nhận thức tự mình vươn lên, phấn đấu thoát nghèo, tích cực học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế bền vững, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!