Nhiều năm qua, huyện Sốp Cộp luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thông qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho các đối tượng lao động của địa phương.
Giảng viên Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Bắc hướng dẫn người dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp) sơ chế thức ăn cho gia súc.
Ngay từ đầu năm, huyện đã tổ chức điều tra thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn; hướng dẫn UBND các xã thực hiện các bước điều tra thu thập thông tin theo quy định; tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp kết quả điều tra của các xã; mở các lớp tập huấn về công tác này. Trong năm 2017, đã điều tra thu thập thông tin 10.133 hộ; nhu cầu lao động của 15/15 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động chỉ phát sinh theo công trình, mùa vụ, không tuyển dụng lâu dài... nên kết quả còn hạn chế.
Đối với quản lý nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Sốp Cộp chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội huyện, UBND các xã rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay giải quyết việc làm chặt chẽ. Trong năm, đã phân bổ gần 1,4 tỷ đồng vốn vay cho 6 xã, tạo việc làm cho 28 lao động nông thôn. Ông Bành Trọng Thảo, Phó trưởng Phòng Lao động - TBXH huyện Sốp Cộp, trao đổi: Huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức các hội nghị tuyên truyền tuyển dụng lao động đi học tập tại trường và làm việc ngành mỏ tại Quảng Ninh; chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, tuyển sinh lao động làm việc trong nước và xuất khẩu lao động theo đơn đặt hàng của các đơn vị tuyển dụng, đã có 16 lao động tham gia học nghề mỏ tại Quảng Ninh; 1.230 lao động khác có việc làm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (lĩnh vực nông nghiệp 750 lao động, công nghiệp xây dựng 200, thương mại, dịch vụ 150; lao động ngoài tỉnh 130), 30 lao động được vay vốn giải quyết việc làm...
Đối với công tác dạy nghề, UBND các xã đều tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đã có 1.237 người đăng ký học nghề; mở 2 lớp kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế xoài, nhãn cho 35 học viên, 1 lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cây có múi cho 35 học viên. Qua các lớp này, nhiều lao động nông thôn đã nắm bắt được kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi tại gia đình, như trồng rau sạch ở xã Sốp Cộp, chăn nuôi đại gia súc ở Mường Lèo, nuôi trồng thủy sản ở Dồm Cang... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Xác định rõ, là huyện nghèo, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, mô hình sản xuất và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ gặp nhiều khó khăn, Sốp Cộp ưu tiên liên kết mở các lớp dạy nghề, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; chú trọng tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!