Sốp Cộp là huyện biên giới, giao thông đi lại khó khăn, nhất là các tuyến đường liên xã, vào mùa mưa thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Để đảm bảo các tuyến đường thông suốt, ngay từ đầu mùa mưa lũ, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương tu sửa, khơi thông cống rãnh và huy động các doanh nghiệp trên địa bàn bố trí máy móc túc trực tại các điểm xung yếu để kịp thời khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra.
Nhân dân xã Mường Và (Sốp Cộp) sửa chữa đường giao thông sau mưa lũ. Ảnh: PV
Huyện Sốp Cộp hiện có trên 645 km đường giao thông, trong đó hơn 10 km đường đô thị, 64 km tỉnh lộ 105, 120 km đường biên giới, trên 109 km đường huyện và hơn 386 km đường giao thông liên xã, liên bản, trong đó khoảng 40,2% các tuyến đường đã được dải nhựa và bê tông hóa. Hiện nay, 7/8 xã có đường ô tô từ trung tâm huyện về trung tâm xã đi được 4 mùa. Để đảm bảo giao thông thông suốt trước, trong và sau mùa mưa lũ, trên các tuyến đường do huyện quản lý, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng, xây dựng phương án đảm bảo giao thông mùa mưa, lũ; phối hợp với các ngành, các xã, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xây dựng và thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống lụt bão, với phương châm “4 tại chỗ” khi có mưa lũ lớn. Hằng năm, vào đầu mùa mưa, các xã huy động nhân lực đóng góp ngày công tu sửa mạng lưới giao thông như: Khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước; vá ổ gà, tập kết đá gần các ngầm tràn, sẵn sàng ứng phó khi mưa lũ gây sự cố; phát quang cây cỏ hai bên đường, đảm bảo tầm nhìn thông thoáng cho người tham gia giao thông. Ông Lò Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, cho biết: Ngay từ đầu năm, xã đã có kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Đối với các bản, giao rõ nhiệm vụ với ban quản lý từng bản, đoạn đường thuộc bản nào thì bản đó quản lý và thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, khơi thông cống, rãnh, nạo vét các cống ngang, cống dọc ở các bản. Một số điểm xung yếu như các điểm cầu tràn khi mưa lũ thường kéo theo cành cây mắc lại, làm nước dâng lên, bị tắc nghẽn thì bố trí các phương tiện máy móc để khơi thông kịp thời.
Tại những tuyến đường đang thi công, huyện chỉ đạo các cơ quan được giao làm chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công bố trí nhân lực, thiết bị, nhiên liệu dàn đều trên tuyến, nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố do mưa lũ gây ra. Thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về các xã tư vấn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở đảm bảo giao thông mùa mưa lũ. Tại một số điểm, cung đường hay xảy ra sụt, sạt lở đường, chính quyền địa phương thành lập tổ xung kích tuần đường, thường xuyên tuần tra, nhằm phát hiện sớm sự cố để thông báo cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, các xã chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả với phương châm “4 tại chỗ”; các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thường xuyên kiểm tra, xác định các điểm xung yếu có khả năng gây ách tắc giao thông vào mùa mưa, có phương án dự phòng vật tư, nhân lực để ứng cứu khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Đối với các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, huyện chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phương án đảm bảo giao thông trên tuyến phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi và an toàn...
Mùa mưa lũ năm 2018 dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Song, với sự chuẩn bị và các phương án dự phòng của huyện Sốp Cộp, tin rằng những tuyến đường trên địa bàn huyện sẽ được đảm bảo thông suốt, an toàn, giảm tối đa thiệt hại, ách tắc khi có sự cố xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tòng Đại
(Đài TT-TH Sốp Cộp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!