3 năm gần đây, thực hiện chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện Sốp Cộp đã tập trung rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là các loại cây ăn quả có múi. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn từ các Chương trình 135 và 30a của Chính phủ để phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Gia đình bà Tòng Thị Thoản, bản Nà Nó, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp) chăm sóc vườn quýt sau thu hoạch.
Thời điểm này, nông dân ở một số xã trên địa bàn huyện Sốp Cộp đang thu hoạch các loại quả có múi như quýt, cam, bưởi..., những giống cây đã được huyện hỗ trợ trồng, cải tạo từ năm 2016. Khi đến xã Nậm Lạnh, một trong những xã có diện tích cây ăn quả nhiều nhất huyện, chúng tôi được ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin sơ bộ: Năm 2004, xã đưa giống quýt ghép vào trồng tại một số bản; song do áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất chưa triệt để nên năng suất còn thấp. Năm 2016, từ nguồn vốn các chương trình 135, 30a, xã phối hợp triển khai cải tạo, thâm canh trồng, chiết ghép quýt, chăm sóc đúng quy cách, áp dụng kỹ thuật bón phân trên đất dốc để tránh bị trôi... nên bây giờ, sản phẩm quýt Nậm Lạnh rất thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích, thương lái vào mua tận vườn cho bà con, giá bán khá ổn định (tại vườn có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg). Toàn xã hiện có trên 103 ha cây ăn quả; trong đó, 67,3 ha cây có múi, riêng quýt chiếm tới 65,4 ha (20,4 ha đang cho quả với sản lượng khoảng 160 tấn).
Tìm hiểu chúng tôi còn được biết thêm, từ 2017 đến 2018, Sốp Cộp có 1.607 hộ cải tạo vườn tạp và ghép mắt 14.074 cây ăn quả; trong 3 năm (2016-2018) từ nguồn vốn theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh, các chương trình 135, 30a, huyện đã đầu tư gần 14 tỷ đồng trồng trên 361 ha cây ăn quả; cùng với đó, mở 66 lớp tập huấn kỹ thuật cưa đốn, ghép mắt cây ăn quả, chăm sóc cây sau ghép, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng... thu hút 2.516 lượt người dân tham gia. Toàn huyện hiện có 1.219 ha cây ăn quả các loại (xoài 155 ha, nhãn 145 ha, cây có múi trên 305 ha, sơn tra 378 ha, mận 85 ha, chanh leo 16 ha, các loại cây khác 135 ha); riêng diện tích cây ăn quả trồng mới năm 2018 trên 366 ha, sản lượng năm nay ước đạt 1.638 tấn quả tươi. Cả huyện có 6 hộ thuộc 2 xã Mường Lèo và Mường Và canh tác 3 ha cây ăn quả trở lên, chủ yếu là nhãn và cây có múi, năm nay những hộ này đã xuất bán 48 tấn hoa quả tươi tại địa bàn huyện Sốp Cộp và tỉnh Điện Biên; 6 HTX trồng cây ăn quả trên diện tích 31 ha, song do mới thành lập nên năm nay chỉ có 2 HTX đạt sản lượng 30 tấn hoa quả tươi, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện.
Huyện Sốp Cộp có điều kiện sinh thái phù hợp với một số cây trồng có triển vọng như nhãn, cam, bưởi, quýt, chuối, xoài, sơn tra... Tuy nhiên, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp còn phân tán, độ dốc lớn, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến khả năng đầu tư thâm canh thấp, hình thức mẫu mã sản phẩm chưa đạt yêu cầu, khó tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, mới chủ yếu tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, chưa hình thành thương hiệu, còn thiếu các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm...
Để khai thác tốt nhất lợi thế và phát huy tiềm năng phát triển cây ăn quả, huyện Sốp Cộp tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển từng loại cây ăn quả thế mạnh; có giải pháp áp dụng kỹ thuật và công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả; khuyến khích thành lập các HTX về các lĩnh vực tư vấn giống cây trồng, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP... nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị canh tác; thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!