Vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và điều kiện thực tiễn địa phương, huyện Sốp Cộp chú trọng nhân rộng diện tích cây ăn quả, tham gia vào chuỗi sản phẩm, tháo gỡ những khó khăn trong vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm...
Nhân dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) chăm sóc quýt niên vụ 2019.
Ảnh: PV.
Sốp Cộp nằm trong khu vực khí hậu tương đối thuận lợi, địa hình phần lớn là đồi núi nhưng tương đối màu mỡ, phù hợp với phát triển nông nghiệp, nhất là hình thành các vùng trồng cây ăn quả như: Các loại quả có múi, chanh leo, sơn tra; nhiều sản phẩm nông sản đã khẳng định được vị trí, có thể phát triển thành vùng hàng hoá lớn và tập trung. Để thu hút đầu tư phát triển cây ăn quả và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã thành lập đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm phát triển cây ăn quả tại huyện Cao Phong (Hòa Bình) và các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn. Cùng với đó, Sốp Cộp tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động; khuyến khích thành lập các HTX, nhất là HTX nông nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Nhà nước; có chính sách ưu đãi về đất sản xuất đối với các HTX trên địa bàn huyện. Đến nay, Sốp Cộp có 12 HTX nông nghiệp (4 HTX cây ăn quả), chủ yếu cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh phân bón...
Theo thông tin từ anh Lò Văn Việt, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả của Sốp Cộp là 528 ha (333 ha cho sản phẩm), gồm xoài, chuối, cây có múi, mận, mơ, nhãn, sơn tra... trồng tập trung tại các xã: Mường Và, Nậm Lạnh, Sốp Cộp, Mường Lạn, Dồm Cang, sản lượng quả trên 1.000 tấn... Đến thời điểm này, diện tích cây ăn của huyện tăng lên 1.221 ha (428 ha đã cho thu hoạch), sản lượng bình quân 1.638 tấn quả, sản phẩm quả tươi của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chỗ và cung ứng ra thị trường huyện Sông Mã, Thành phố...
Đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp, Đoàn KT-QP 326 đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là lĩnh vực trồng cây ăn quả. Đại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Đoàn 326, chia sẻ: Nhận thấy cây chanh leo dễ trồng, phù hợp điều kiện thời tiết, vốn đầu tư ban đầu không lớn... năm 2018, Đoàn đã xây dựng mô hình trình diễn 3,6 ha chanh leo (1 ha đã cho thu hoạch). Sang năm nay, Đoàn đã mời nhiều cán bộ huyện, xã, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, ký kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc bao tiêu sản phẩm của 10 ha chanh leo cho người dân. Bên cạnh định hướng sản xuất, triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, vốn của huyện, Đoàn tiếp tục duy trì các mô hình trình diễn trồng chanh leo, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định.
Hiện nay, Sốp Cộp đã và đang triển khai đưa giống cây trồng mới vào canh tác, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại các vườn cây ăn quả; rà soát quy hoạch địa bàn trồng cây ăn quả gắn với lựa chọn đầu tư vào những địa điểm thuận lợi, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật để nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, hạn chế trồng cây ăn quả theo lối tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm quả tươi chưa qua chế biến, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, thiếu sự liên kết giữa HTX với nông dân...
Để nhân rộng diện tích cây ăn quả, Sốp Cộp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển cây ăn quả, nhất là tại các vùng quy hoạch; tham gia liên kết sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xây dựng hạ tầng sản xuất; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!