Sốp Cộp nhân rộng các mô hình khuyến nông tự nguyện

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước giúp nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Mô hình nuôi gà bố mẹ gắn với máy ấp trứng của gia đình

ông Tòng Văn Sương, bản Huổi Khăng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp. 

Cùng cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, chúng tôi đến mô hình nuôi gà gắn với máy ấp trứng của gia đình ông Tòng Văn Sương, bản Huổi Khăng (được triển khai từ tháng 3-2015). Ông Sương khoe với chúng tôi: Khi tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 1 máy ấp trứng, 1 máy phát điện, 260 con gà giống bố mẹ và được tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Qua một năm triển khai hiệu quả mang lại rất khả quan, vừa lấy được trứng để ấp bán giống gà con, vừa nuôi gà thương phẩm. Nhà tôi đã bán gần 1 tấn gà thịt, hơn 5.000 con gà giống, mỗi ngày thu trên 100 quả trứng. Trừ hết chi phí vẫn lãi hơn 400 triệu đồng.

Trao đổi thêm về mô hình, ông Vì Văn Hưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện nói: Từ hiệu quả của mô hình nhà ông Sương, đã có nhiều nông dân trong xã Sốp Cộp và các xã lân cận đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Toàn huyện hiện có hàng chục hộ thực hiện mô hình nuôi gà bố mẹ gắn với máy ấp trứng. Cách làm của cán bộ khuyến nông chúng tôi là luôn bám sát cơ sở, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cách thức chăm sóc cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trước khi triển khai thực hiện các mô hình, cán bộ Trạm tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm thích hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã; điều tra các điều kiện như tập quán sản xuất của địa phương, trình độ thâm canh, đất đai, giao thông, thủy lợi... để xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, thông báo các điều kiện tham gia mô hình đến các hộ dân, lựa chọn hộ có khả năng thực hiện tốt để mô hình đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Trạm đã triển khai hỗ trợ nông dân thực hiện hơn 10 mô hình, gồm: nuôi gà bố mẹ gắn với máy ấp trứng; sản xuất bền vững trên đất dốc; nuôi gà trên nền đệm lót sinh học; chăn nuôi lợn đực giống ngoại; nuôi lợn nái sinh sản; cá nước ngọt; ngô nếp tím Vitan (Lào); khoai tây giống Solara; khử chua đất ruộng... Đặc biệt, tại các xã trong huyện, người dân còn thực hiện hơn 30 mô hình khuyến nông tự nguyện: cải tạo đất trồng lúa theo SRI; canh tác sắn bền vững trên đất dốc; cải tạo vườn tạp... Theo đánh giá ban đầu, hiệu quả của các mô hình rất khả quan, giúp người dân thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong quá trình sản xuất; người dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp mới vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình được bà con học tập, làm theo, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, khuyến khích các hộ dân triển khai các mô hình khuyến nông tự nguyện theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới