Sốp Cộp mở rộng sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp

Nhằm làm chuyển biến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Sốp Cộp đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp khá đồng bộ, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, thay đổi bộ mặt nông thôn mới, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của người nông dân.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng ở bản Men, xã Dồm Cang (Sốp Cộp) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sốp Cộp hiện có 21 HTX, với 147 thành viên; trong đó 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp; các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đã được triển khai nhân rộng tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện các chính sách phát triển tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Doanh thu bình quân của 21 HTX trên địa bàn huyện đạt 250 triệu đồng/năm/HTX (năm 2017), nộp ngân sách nhà nước 140 triệu đồng. Trong số này, có 4 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, như HTX nông nghiệp Nam Phượng, HTX nông nghiệp Nậm Ban, HTX nông nghiệp Duy Lợi, HTX nông nghiệp Phương Anh.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Sốp Cộp đã tập trung triển khai hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, chi phí nhãn mác, bao bì, chi phí tham quan mô hình cây ăn quả theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh cho 4 HTX trồng cây ăn quả là 251 triệu đồng; hỗ trợ trồng trên 58 ha cam theo chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện; hỗ trợ trồng 3,4 ha cam, xoài theo chương trình 135. Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, đã hỗ trợ gần 720 triệu đồng xây dựng 2 cơ sở sản xuất giống lưu vườn; hỗ trợ 260 triệu đồng cho 1.300 hộ thực hiện ghép mắt cây ăn quả. Ông Hoàng Văn Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói thêm: Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện hiện có 954,8 ha, trong đó diện tích trồng mới bằng giống chất lượng cao 234,8 ha; tổng diện tích ghép cải tạo vườn tạp là 26,43 ha. Hiện nay, mới có 6 HTX trồng cây ăn quả với các giống chất lượng cao. Tuy nhiên, một số HTX chưa áp dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất an toàn VietGAP, do đó giá thành sản phẩm vẫn cao. Sản phẩm cây ăn quả từ HTX đều chưa qua sơ chế, chưa có bao bì, nhãn mác, phần lớn là do tổ chức, cá nhân trung gian mua tại vườn tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tập trung khắc phục điểm hạn chế này.

Bên cạnh đó, Sốp Cộp luôn chú trọng nhân rộng các điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 100 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, lợn, nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả và trồng rừng, hằng năm có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng trở lên. Toàn huyện có 34 hộ có thu nhập 200 triệu đồng/năm trở lên, như hộ các ông Tòng Văn Thoại, Vì Văn Thuận, Vì Văn Mầng (bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh)...

Trong thời gian tới, Sốp Cộp chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX; đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các HTX xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; đổi mới về hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường... từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới