Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp đã triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt tại các bản Nà Nó, Tà Cọ (xã Sốp Cộp).
Mô hình nuôi cá tại bản Nà Nó, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp).
Trước đây, nhiều hộ dân ở xã Sốp Cộp đã đào ao, nuôi cá nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, con cá chưa trở thành hàng hóa. Nhằm giúp nông dân có kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi phương thức sang sản xuất hàng hóa, tháng 3 năm 2017, từ nguồn vốn chương trình 30a của Chính phủ, Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ 461 kg cá giống các loại (221 kg cá trắm, 120 kg cá vược, 120 kg cá chép) trị giá hơn 120 triệu đồng cho 22 hộ dân tại các bản Nà Nó, Tà Cọ nuôi trên 2 ha ao hồ. Để triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND xã tổ chức họp dân ở 2 bản, bình xét, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện nhận nuôi cá; tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho bà con; hướng dẫn xử lý nước ao theo đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh trước khi thả cá, định kỳ 2 lần/tháng kiểm tra các mô hình; cử cán bộ khuyến nông cơ sở theo dõi sinh trưởng của cá, kịp thời phát hiện tình trạng bệnh dịch ở cá để xử lý. Ngoài ra, Trạm còn giới thiệu bà con chọn mua con giống chất lượng tốt ở các công ty, đơn vị có uy tín trên địa bàn, tư vấn các hộ dân trong xã xây dựng mô hình.
Theo cán bộ khuyến nông xã gia đình ông Tòng Văn Lũng (bản Nà Nó), một trong những hộ nuôi cá nhiều, ông cho hay nhà ông có 1.300 m2 ao cá, được Nhà nước hỗ trợ 10 kg cá trắm, 5 kg cá vược và 5 kg cá chép làm giống; tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt... từ tháng 9/2017, ông đã bán hơn 9 tạ cá các loại, trung bình 1,3 kg/con đối với cá trắm, 0,4 - 0,6 kg/con đối với cá chép và rô phi, giá bán từ 60 đến 100 nghìn đồng/kg, tổng thu nhập gần 90 triệu đồng.
Còn anh Mòng Văn Phương (bản Tà Cọ) thoát nghèo cũng nhờ được hỗ trợ mô hình nuôi cá nước ngọt. Anh Phương phấn khởi: Được tuyên truyền, hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi cá, tôi chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào 800 m2 ao nuôi cá, thả 8 kg cá trắm, 5 kg cá vược và cá chép. Được tập huấn kỹ thuật, tôi sử dụng các loại thức ăn như cỏ, rau màu các loại kết hợp thức ăn tinh (cám ngô, sắn) cho cá ăn, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tận dụng triệt để phụ phẩm từ 1.000 m2 cỏ voi trồng để nuôi bò. Theo tôi, nuôi cá nước ngọt thu nhập cao hơn trồng lúa. Tôi sắm được các đồ dùng sinh hoạt, sửa chữa nhà cửa cũng từ nuôi cá.
Xã Sốp Cộp hiện có 22,6 ha ao nuôi cá, đây là lợi thế lớn để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, giúp cải thiện cuộc sống. Hiện nay, nhiều hộ dân học tập mô hình và nhân rộng như: nuôi cá rô phi đơn tính ở bản Bom Khăng, nuôi cá giống ở bản Huổi Khăng... thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Thành công từ mô hình cho thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá nước ngọt ở xã Sốp Cộp là phù hợp. Thông qua mô hình, bà con đã được chuyển giao kỹ thuật, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!