Thực hiện Đề án 1956 cùng các chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2011-2017, huyện Sốp Cộp đã mở 52 lớp dạy nghề cho 1.636 lao động nông thôn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho lao động nông thôn phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Anh Lò Văn Kiêm ở bản Nà Lừa, xã Mường Và (Sốp Cộp) áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi ong.
Kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do đó tỷ lệ lao động nông thôn của Sốp Cộp cao, chiếm trên 50% dân số. Trong đó, trên 3.000 lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trên 4.000 lao động được dạy nghề bằng nhiều hình thức, còn lại trên 17.000 lao động chưa qua đào tạo (số này 70% là lao động trẻ, trình độ văn hóa từ THCS trở lên). Thực hiện Quyết định số 1956 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, hằng năm, huyện triển khai lồng ghép công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị từ huyện tới xã và các hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật. Qua đó, đã tập huấn, phổ biến các chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề cho trên 5.000 lượt người, tập huấn kỹ năng tuyên truyền tư vấn dạy nghề cho cán bộ 8 xã; giai đoạn 2011-2017, đã có 9.859 lượt người được tư vấn, nhiều lao động nông thôn đã chủ động đến tìm hiểu và đăng ký tham gia đào tạo nghề. Mặc dù, Sốp Cộp đã dành nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, song nguồn đầu tư mới đáp ứng 38% nhu cầu của huyện đề ra.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thực hiện các chương trình đào tạo nghề, huyện đã lựa chọn mô hình các nghề đào tạo gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông thôn như mô hình nông lâm tổng hợp tại xã Mường Lạn, trồng nấm tại xã Sốp Cộp, chăn nuôi đại gia súc tại xã Dồm Cang; các mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy sản tại xã Sốp Cộp, Mường Và; mô hình trồng cam, quýt tại Nậm Lạnh, Mường Và; mô hình phi nông nghiệp, như nghề xây dựng, sản xuất đồ gỗ cho các học viên. Theo Đề án 1956, huyện đã mở 18 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 579 học viên, gồm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã mở 34 lớp dạy nghề cho 1.057 lao động với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Phần lớn các lớp dạy nghề trên địa bàn huyện Sốp Cộp đều gắn với chương trình phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, lao động sau khi học nghề đều có việc làm theo các chương trình, dự án, mô hình sản xuất như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, cam, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng khoai tây và rau an toàn...; được hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, vay vốn từ Ngân hàng CSXH nên đều có việc làm, thu nhập đảm bảo.
Nậm Lạnh là một trong những xã thực hiện tốt các chế độ, chính sách dạy nghề đối với các đối tượng tham gia và thụ hưởng. Số lao động nông thôn trong độ tuổi trên địa bàn xã hiện có 2.057/3.731 người; trong đó có 1.600 lao động chưa qua đào tạo. Qua hơn 7 năm thực hiện, toàn xã có 171 người được đào tạo nghề chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, sau đào tạo, hầu hết các lao động đã áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế; kiến thức đã học đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình và đã có nhiều hộ thoát nghèo. Ngoài ra, xã còn có hơn 100 người được học nghề ở các trường phổ thông đã góp phần giúp cho lao động nông thôn có kiến thức để phát triển sản xuất.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề ở Sốp Cộp trong thời gian qua đã thực hiện đúng nhóm lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật... Để làm tốt hơn công tác này, Sốp Cộp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tuyển sinh; gắn công tác đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!