Vụ xuân hè năm nay, huyện Sốp Cộp gieo trồng hơn 7.200 ha cây trồng trên nương, gồm 2.500 ha lúa nương, 1.600 ha ngô, 3.000 ha sắn và một số cây trồng khác. Đến nay, bà con đã cơ bản gieo trồng xong toàn bộ diện tích, cây trồng phát triển tốt, bà con đang tập trung chăm sóc, phòng chống sâu bệnh.
Nông dân bản Men, xã Dồm Cang (Sốp Cộp) chăm sóc diện tích sắn cao sản.
Để đảm bảo phục vụ sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động bà con đưa các loại giống mới vào sản xuất. Trong đó, chủ yếu là: ngô LVN10, CP88, NK7328, DK9901; các giống sắn cao sản KM94, KM 95, KM98-7, giống lúa cạn LC93-1, tan nương… Đồng thời, hướng dẫn bà con mua vật tư, phân bón ở các công ty, HTX dịch vụ nông nghiệp có uy tín; đảm bảo gieo trồng, chăm sóc cây trồng theo đúng thời vụ. Trạm khuyến nông, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật cử cán bộ trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng kỹ thuật, thực hiện thu gom vỏ bao bì sau khi sử dụng, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó các xã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, toàn huyện đã cấp phát, hỗ trợ hơn 990 kg ngô giống CP88, 211 tấn phân bón các loại cho 4.438 hộ nghèo theo Quyết định 102 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chất lượng các cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Đặc biệt, các xã đã tích cực vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất trồng cây trên nương kém hiệu quả, bạc màu sang trồng cây ăn quả. Ngoài ra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện theo dõi sát tình hình sâu bệnh hại, thường xuyên đưa ra dự báo, phối hợp với các UBND xã chủ động khoanh vùng các điểm đã xuất hiện sâu bệnh năm trước, chuẩn bị thuốc bảo vệ thực vật, sẵn sàng phun diệt các sâu bệnh hại cây trồng. Từ đầu năm đến nay, đã trồng được hơn 93 ha cam, chanh leo, xoài, sơn tra...
Dồm Cang là một trong những xã có diện tích trồng sắn lớn nhất huyện, với hơn 520 ha. Ông Tòng Văn Tiến, bản Men cho biết: Gia đình tôi hết 1 ha sắn cao sản, được cán bộ hướng dẫn làm đất, đúng kỹ thuật và thời tiết thuận lợi, nên toàn bộ diện tích sắn đã trồng phát triển tốt, mấy năm nay sắn được giá, nhiều hộ trong bản chuyển sang trồng sắn. Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia đình tôi đều thu gom về các bể chứa để tránh gây ô nhiễm.
Còn tại xã Sam Kha, bà con đã gieo 790 ha lúa nương, chủ yếu là giống tẻ thơm tập trung ở các bản Pu Sút, Sam Kha, Huổi Phô... Do hiện nay lúa đang phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, chưa phát hiện sâu bệnh hại. Ông Quàng Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Sam Kha cho biết: Vì không gieo cấy lúa chiêm xuân, nên bà con đang tập trung gieo trồng cây trên nương. Xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông trực tiếp kiểm tra, theo dõi tình hình, sâu bệnh, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh bùng phát. Tổ chức triển khai nhanh gọn việc hỗ trợ phân bón, giống ngô theo chính sách của Chính phủ cho bà con. Để bảo đảm gạo tẻ Sam Kha trở thành sản phẩm sạch, đặc sản, xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng đúng, đủ liều lượng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng đồ bảo hộ lao động khi phun thuốc, thu gom tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào thùng chứa, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích cây trồng trên nương vụ xuân hè của huyện đều phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!